Ứng xử với mô hình kinh tế mới:

Quản lý nhà nước vẫn lúng túng

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 08:34 - Chia sẻ
Thời gian qua, tại Việt Nam đã ghi nhận các phương thức kinh doanh mới theo mô hình kinh tế chia sẻ. Điều này được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn lúng túng, thậm chí chưa có động thái trước mô hình kinh tế mới.

Hoặc lúng túng, hoặc chậm phản ứng

Hiện, hoạt động vận tải chịu sự “xâm lấn” của mô hình kinh tế chia sẻ mạnh mẽ hơn cả, gồm Uber, hiện tại là Grab (giúp kết nối giữa người vận chuyển với khách hàng thông qua ứng dụng phần mềm công nghệ); tiếp đến là dịch vụ kinh doanh lưu trú qua mô hình kết nối Airbnb (kết nối người thuê nhà, thuê phòng nghỉ với người có phòng cho thuê qua ứng dụng di động). Điểm đáng chú ý, trong khi các doanh nghiệp theo phương thức truyền thống chịu ràng buộc bởi các điều kiện kinh doanh, các cơ chế quản lý đi kèm thì những doanh nghiệp sử dụng công nghệ kết nối hầu như không chịu nhiều ràng buộc. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến thị trường cạnh tranh, phát sinh nhiều xung đột lợi ích giữa hai bên, gây phản ứng dữ dội từ các hãng theo phương thức truyền thống. Minh chứng điển hình là vụ Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab Việt Nam vì cho rằng Grab cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho hãng taxi truyền thống. Cuối tháng 12 vừa qua, TAND TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc Grab phải bồi thường hơn 4,8 tỷ đồng cho Vinasun.

Từ thực tế này đặt ra đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế quản lý thích hợp mô hình kinh tế mới. Song, “dường như bản thân cơ quan quản lý nhà nước chưa xác định được đâu là cơ chế quản lý thích hợp. Họ hoặc là lúng túng trong việc lựa chọn, hoặc là giữ im lặng, chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào”, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn bình luận.

Theo đó, hiện cơ quan quản lý chưa xác định cơ chế quản lý cụ thể mà vẫn đang thí điểm áp dụng. Đối với hoạt động vận tải, việc xác định cơ chế quản lý đối với mô hình kinh doanh mới đã được bàn thảo nhiều trong mấy năm qua và ngày càng gay gắt hơn. Đã có rất nhiều phiên bản Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó cơ quan quản lý cố gắng nhận diện loại hình kinh doanh mới này. Trong các phiên bản đầu, các đơn vị này được xác định là đơn vị cung ứng phần mềm công nghệ (tương tự trong cơ chế thí điểm), nhưng ở các phiên bản sau lại coi đó là đơn vị vận tải, cụ thể là hình thức vận tải theo hợp đồng. Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 5.10.2018, Bộ Giao thông - Vận tải lại xếp các đơn vị này là mô hình vận tải taxi!

Khác với sự loay hoay tìm cơ chế cho mô hình kinh doanh mới trong hoạt động vận tải, cơ quan quản lý ngành du lịch lại đang giữ im lặng trước mô hình mới của mảng dịch vụ lưu trú.

Theo quy định, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Các chủ thể kinh doanh phải đáp ứng điều kiện theo quy định và thực hiện một số thủ tục với cơ quan quản lý, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát về việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh. Những dịch vụ cho thuê phòng nghỉ được giao dịch trên Airbnb bản chất cũng là một loại dịch vụ lưu trú. Song, do chưa có động thái gì từ phía cơ quan quản lý nên không rõ mô hình này có cần phải đáp ứng các điều kiện hoặc có thực hiện các thủ tục hành chính áp dụng đối với cơ sở kinh doanh  dịch vụ lưu trú theo pháp luật về du lịch không. Như vậy, đang có sự thiếu bình đẳng giữa chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, khi phương thức truyền thống chịu nhiều ràng buộc về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kèm theo, trong khi phương thức mới lại không chịu ràng buộc tương tự.

Quản lý cần theo quy luật  thị trường

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ hiện nay, các chuyên gia dự báo sẽ có thêm nhiều phương thức kinh doanh mới ứng dụng công nghệ đang và sẽ xuất hiện trên thị trường. Do vậy, cách hành xử thế nào, điều chỉnh chính sách pháp luật ra sao của những người làm công tác quản lý rất quan trọng.

Đại diện VCCI đề xuất, đối với hoạt động vận tải, xét về bản chất, hình thức kinh doanh cung cấp công nghệ kết nối vận tải là hình thức cung cấp dịch vụ môi giới. Song, khác với môi giới thông thường, doanh nghiệp cung cấp công nghệ kết nối là dịch vụ môi giới sử dụng công nghệ có thể làm ảnh hưởng đến một số lượng lớn bên cung cấp dịch vụ vận chuyển và khách hàng, tức là có thể tác động tới một nhóm lợi ích đáng kể. Đồng thời, hoạt động môi giới này thực hiện trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện (kinh doanh vận tải hành khách).

Từ phân tích trên, đứng ở góc độ lợi ích công cộng, cần có biện pháp kiểm soát để giảm thiểu tác động bất lợi mà hoạt động vận chuyển hành khách qua môi giới của doanh nghiệp cung cấp công nghệ kết nối có nguy cơ gây ra. Chẳng hạn, doanh nghiệp cung cấp công nghệ kết nối phải bảo đảm tất cả các bên vận chuyển tham gia vào mạng lưới phải có Giấy phép kinh doanh vận tải, chỉ được môi giới/kết nối giữa đơn vị có giấy phép với khách hàng; phải chịu trách nhiệm đại diện bên vận chuyển xử lý tranh chấp, bồi thường thiệt hại cho khách hàng… Đồng thời, cần xác định rõ loại hình Airbnb là loại cơ sở lưu trú nào, từ đó có các cơ chế quản lý phù hợp.

Từng nhiều lần lên tiếng về kinh tế chia sẻ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, để phát triển mô hình này, cần bảo đảm theo phương châm “cái gì có lợi cho người tiêu dùng thì làm”, như kinh nghiệm của nhiều nước châu Âu. Muốn vậy, việc thay đổi tư duy đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ông nhấn mạnh, quản lý Nhà nước cũng phải suy nghĩ theo thị trường, theo sự phát triển của công nghệ và phương thức kinh doanh mới, chứ không phải dùng thủ tục hành chính can thiệp, ép phương thức kinh doanh mới vào phương thức kinh doanh truyền thống. 

Đan Thanh