Quản lý thẩm mỹ viện, spa còn lỏng lẻo

- Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:14 - Chia sẻ
Qua giám sát tại một số quận, huyện, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, những tồn tại trong công tác quản lý các thẩm mỹ viện, spa cần sớm khắc phục trong thời gian tới.

Chưa quyết liệt trong xử lý các cơ sở không phép

Trong vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở y tế tư nhân đã quan tâm đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, giảm tải cho hệ thống y tế công lập, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, công tác cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động cho cơ sở hành nghề y, dược tư nhân bảo đảm đúng quy định của pháp luật; quy trình cấp phép công khai minh bạch; thời gian thụ lý hồ sơ và trả kết quả được rút ngắn…

Tuy nhiên, qua làm việc và kiểm tra, giám sát thực tế tại nhiều địa phương, đoàn giám sát Ban VH - XH cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhận. Cụ thể, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này chưa thật sự sát sao, quyết liệt, còn mang tính nể nang, chủ yếu là nhắc nhở, tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính thấp, nhất là đối với tuyến quận, huyện, xã, phường; việc quảng cáo khám, chữa bệnh chưa được kiểm soát chặt chẽ. “Đặc biệt, chính quyền chưa kiên quyết xử lý đối với các cơ sở hoạt động không phép. Trách nhiệm chủ yếu của UBND cấp huyện, cấp xã” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài còn hạn chế, còn để xảy ra tình trạng các bác sĩ nước ngoài không có giấy phép nhưng vẫn hành nghề. “Đáng chú ý, hiện vẫn đang tồn tại tình trạng các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, spa không có chức năng nhưng vẫn quảng cáo việc thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh sau phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi đó, việc quản lý, xử lý trong đối với nhóm đối tượng này còn bộc lộ nhiều lúng túng, bất cập” - Đoàn giám sát Ban VH - XH chỉ rõ.


Qua giám sát, Ban VH - XH HĐND thành phố đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân
Ảnh: P. Long

Kiến nghị tăng mức xử phạt trong lĩnh vực y tế

Nguyên nhân dẫn tới công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân không đạt được như mục tiêu đề ra được đoàn giám sát xác định một phần do chưa có những quy định cụ thể và biện pháp hiệu quả để quản lý đối với các loại hình nhạy cảm như thẩm mỹ viện, spa, chăm sóc sắc đẹp… bởi đây là loại hình kinh doanh không điều kiện, không thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế nhưng lại thường xuyên quảng cáo quá phạm vi, trong kinh doanh có sử dụng mỹ phẩm và các loại tân dược. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý lĩnh vực này còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm nên kết quả công tác giám sát, kiểm tra chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, một số cơ sở hành nghề y, dược không có giấy phép hoạt động, đã kiểm tra, xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, cơ sở đã cam kết đóng cửa nhưng vẫn lén lút hoạt động. “Đặc biệt, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là cơ sở không có giấy phép hoạt động, không có chứng chỉ hành nghề chữa bệnh vượt thẩm quyền xử phạt hành chính của UBND cấp huyện, khiến việc xử lý vi phạm khó khăn, bất cập” - đoàn giám sát đánh giá.

Sau đợt giám sát lần này, Ban VH - XH HĐND thành phố kiến nghị Chính phủ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để bảo đảm đủ sức răn đe, bổ sung các hình thức đình chỉ vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, tăng nặng hình thức xử lý, xử phạt đối với cá nhân. Đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của y tế tư nhân cũng như sớm rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý mạng lưới các cơ sở y tế tư nhân từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở…

Về phía UBND thành phố, cần phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành thành phố, các quận/huyện, xã/phường trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân… Trong đó, sớm phân cấp quản lý đối với loại hình hoạt động thẩm mỹ viện, spa, chăm sóc sắc đẹp; đề xuất với Chính phủ đưa loại hình này là dịch vụ kinh doanh có điều kiện.

NGUYÊN KHÔI