Quan trọng là thay đổi nếp nghĩ

- Thứ Bảy, 26/10/2019, 10:35 - Chia sẻ
Trong bối cảnh ngành GD-ĐT đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ Nguyễn Minh Tường cho rằng, một mô hình tốt, áp dụng thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, giáo viên sẽ là yếu tố quyết định nhất đến sự thành bại của bất kỳ mô hình giáo dục nào. Với mô hình mới, các thầy cô sẽ phải thay đổi cách soạn giáo án, thay đổi phương pháp dạy học và quan trọng là thay đổi nếp nghĩ.

Mô hình VNEN là bước chuyển tiếp

Từ năm 2011 - 2012, mô hình VNEN được triển khai tại 6 tỉnh thành ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đây là mô hình dạy học chú trọng phát triển năng lực học sinh như các năng lực tìm tòi, khám phá; năng lực xử lý thông tin; năng lực vận dụng và giải quyết vấn đề; năng lực hợp tác và làm việc theo nhóm; thông qua các nhóm kĩ năng như: nhóm kĩ năng tự định hướng, nhóm kĩ năng về nhận thức, nhóm kĩ năng về học, nhóm kĩ năng về xã hội và quan hệ học tập, nhóm kĩ năng về quản lí quá trình học. Thời gian qua, mặc dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối về mô hình này, tuy nhiên, đối với một số giáo viên, nhà trường đang triển khai Mô hình VNEN cho rằng, khi tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông mới, họ tự tin vì đã có kinh nghiệm dạy học định hướng năng lực nhờ phương pháp VNEN, bởi lẽ học sinh đã quen với việc học nhóm và tự học, giáo viên đã quen với việc điều hành, tổ chức hoạt động...

Trường Tiểu học Trần Phú là một trong những trường tự nguyện triển khai Mô hình VNEN ở Ninh Bình. Đến nay, sau 4 năm áp dụng, mô hình VNEN đã ổn định, triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 2 đến lớp 5 (lớp 1 học theo Công nghệ giáo dục), được phụ huynh đồng tình ủng hộ. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú Lê Xuân Thắng, nhờ thực hành phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá của Mô hình VNEN, mà giáo viên nhà trường không bỡ ngỡ khi áp dụng Chương trình mới với định hướng phát triển năng lực cho học sinh. “Lấy ví dụ, với bài học về chu vi, theo cách truyền thống, giáo viên sẽ dạy học sinh công thức tính, nhưng với VNEN, giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động cho học sinh tự tìm hiểu, chẳng hạn như các em sẽ quan sát hình để hiểu chu vi là gì, tự đo đạc, tính toán... và từ kết quả phép đo mới xây dựng kiến thức. Như vậy, thông qua các hoạt động, học sinh biết hoàn thành các nhiệm vụ được giao, từ đó, năng lực của học sinh được hình thành. Chính vì thế, việc chuyển từ tiếp cận kiến thức sang năng lực cũng không phải là vấn đề quá nan giải đối với giáo viên VNEN, ông Thắng nói.

Cũng theo cô giáo Phùng Thị Thanh Tâm, giáo viên lớp 3 tại trường, cho biết đã dạy học theo phương pháp VNEN đến năm thứ 3 và hoàn toàn không muốn phải quay lại dạy theo phương pháp truyền thống. “Có lẽ, những người phản đối VNEN là do họ chưa tiếp cận thực sự với phương pháp này, còn những giáo viên đã dạy theo VNEN thì đều rất tâm đắc. Nếu đã dạy VNEN thì áp dụng Chương trình mới theo định hướng năng lực là rất thuận lợi, bởi VNEN giúp giáo viên chủ động trong điều hành lớp học. Điều đáng nói nhất là học theo VNEN, các em học sinh được bộc lộ, được nói lên ý kiến của mình. Nếu ở các trường Tiểu học khác, nhiều học sinh còn e ngại trước cô giáo hay khách lạ, thì học sinh VNEN rất bạo dạn, sẵn sàng đối thoại với giáo viên và người ngoài. Đó cũng là điểm mạnh để học sinh hình thành năng lực tự học.


Ảnh minh họa

Vẫn phụ thuộc vào năng lực giáo viên

Giáo sư Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình bộ môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới từng nhận định: Mô hình VNEN là một bước chuyển tiếp để từ chương trình giáo dục hiện hành chủ yếu tiếp cận nội dung kiến thức bước sang một chương trình mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học. Như vậy, về cách tiếp cận và tiến trình dạy học, phải nhìn nhận một cách công bằng là mô hình VNEN có thể khắc phục những điểm yếu nhất của cách dạy truyền thống và tiếp cận gần nhất với hướng đi của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong bối cảnh ngành GD-ĐT đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc lựa chọn đưa mô hình VNEN vào giảng dạy và học tập tại cấp tiểu học được nhiều địa phương cho là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Thắng cho rằng, dù sử dụng phương pháp dạy học nào, việc học tập của học sinh vẫn phụ thuộc vào năng lực của giáo viên. Trong mô hình dạy học VNEN, nếu giáo viên chỉ áp dụng cầm chừng theo kiểu “bình mới rượu cũ” thì chắc chắn học sinh khó mà tiến bộ được. Vì vậy, giáo viên cần được khuyến khích dạy học hướng tới từng đối tượng học sinh, phải nắm rõ những em nào đã tiếp cận được kiến thức cần thiết, em nào chưa tiếp cận để tổ chức giúp đỡ. Ví dụ, vào buổi chiều, giáo viên có thể giúp đỡ những bạn chưa đạt và giao nhiệm vụ khó hơn cho những bạn đã đạt yêu cầu.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ Nguyễn Minh Tường cho rằng, một mô hình tốt, áp dụng thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Giáo viên là yếu tố quyết định nhất đến sự thành bại của bất kỳ mô hình giáo dục nào, kể cả mô hình VNEN hay Chương trình giáo dục phổ thông mới, các thầy cô sẽ phải thay đổi cách soạn giáo án, thay đổi phương pháp dạy học và quan trọng là thay đổi nếp nghĩ.

Khải Minh