Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên của Bang Victoria (Australia)

Quy định rõ ràng để thuận lợi khi áp dụng

- Chủ Nhật, 26/04/2020, 08:34 - Chia sẻ
Theo quy định của pháp luật về xử phạt VPHC của bang Victoria, đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền người chưa thành niên VPHC phải luôn luôn thấp hơn mức phạt tiền người đã thành niên vi phạm.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 373 Luật Trẻ em, thanh niên và gia đình năm 2005, mức phạt tối đa đối với người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi VPHC là 5 đơn vị phạt. Đối với người chưa đủ 15 tuổi VPHC, mức tiền phạt tối đa là 1 đơn vị phạt. Mỗi đơn vị phạt thay đổi theo từng thời kỳ. Hiện nay, mỗi đơn vị phạt là 165.22 dollar Australia. Ngoài điều khoản mang tính nguyên tắc này, pháp luật về xử phạt VPHC của bang Victoria quy định khá chi tiết mức tiền phạt đối với các VPHC cụ thể của người chưa thành niên.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý VPHC năm 2012 của Việt Nam, “Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên”. Như vậy, tương tự pháp luật của bang Victoria, pháp luật xử phạt VPHC của Việt Nam cũng đã thể hiện rõ tinh thần bảo đảm quyền lợi tốt nhất của người chưa thành niên khi quy định trách nhiệm hành chính của người chưa thành niên nhẹ hơn so với người thành niên. Tuy nhiên, quy định “mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên” lại không thật sự rõ ràng và gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Từ điển tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ học giải thích, “quá” là “vượt qua”. Với cách giải thích này, có thể hiểu “mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên” là không vượt qua 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên. Khác với các pháp lệnh trước đây về xử phạt VPHC, Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã có một quy định hoàn toàn mới là mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điểm e khoản 1 Điều 3). Đây là hệ số cứng, tuyệt đối, không phải là hệ số tương đối cho phép phạt đến gấp hai lần. Đối chiếu với mức tiền phạt người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi thì với quy định “mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên”, có thể hiểu rằng đây là hệ số tương đối và người có thẩm quyền có quyền tùy nghi quyết định mức tiền phạt miễn sao không vượt quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên.

Ví dụ: theo điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ thì hành vi “nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư” sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng. Nếu chủ thể vi phạm là người thành niên và không có tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ thì sẽ bị phạt mức tiền trung bình là 200.000 đồng. Nếu chủ thể vi phạm là tổ chức và không có tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ thì sẽ bị phạt mức tiền trung bình là 400.000 đồng (bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân). Tuy nhiên, nếu chủ thể vi phạm là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và không có tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ sẽ bị phạt bao nhiêu thì không có chuẩn mực chung trong việc áp dụng. Với quy định “mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên” thì người có thẩm quyền có thể xử phạt 10.000 đồng, 30.000 đồng, 50.000 đồng, 90.000 đồng, 100.000 đồng… bởi tất cả mức tiền phạt này đều không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên.

Như vậy, quy định mang tính tùy nghi trên đây sẽ tạo thói quen tùy tiện cho các chủ thể có thẩm quyền trong quá trình áp dụng pháp luật. Để khắc phục hạn chế này, các quy định liên quan đến hình thức xử phạt, mức tiền phạt cần được quy định rõ ràng nhằm tạo ra sự thống nhất trong áp dụng pháp luật. Trong trường hợp này, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của bang Victoria là ghi nhận rõ ràng về mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.