Quy hoạch thị trường logistics

- Thứ Năm, 16/07/2020, 08:24 - Chia sẻ
Trong thời điểm đại dịch Covid-19 kéo dài, các ngành nghề đều gặp khó khăn dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị phá sản, công nhân thất nghiệp… thì ngành nông nghiệp vẫn nhìn thấy cơ hội. Tuy nhiên, chi phí logistics cao khiến nhiều doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó.

Nguyên nhân của việc đội giá

Phát triển dịch vụ logistics sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, bởi lĩnh vực này gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin... Đồng thời, thị trường dịch vụ logistics lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước.

Tuy nhiên, theo Báo cáo ALG Worldbank, chi phí logistics so với GDP ở Việt Nam chiếm 20,9% năm 2014 và 18% năm 2017. Qua đó, cho thấy chi phí logistics ở Việt Nam vẫn quá cao và là nguyên nhân làm đội giá nông sản lên 20 - 30%. Điều đáng nói, hiện nay chi phí vận chuyển nội địa đang cao gấp nhiều lần chi phí vận chuyển quốc tế nên đã đẩy giá thành sản phẩm cao lên dẫn đến các sản phẩm của khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú cho biết, hiện chi phí vận chuyển một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 15 triệu đồng thì vận chuyển một container tôm từ TP Hồ Chí Minh ra TP Hà Nội lại tốn tới 80 triệu đồng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics ở Việt Nam vẫn quá cao xuất phát từ phí vận chuyển cao; phụ phí và phí địa phương cao do các hãng vận tải nước ngoài áp; chi phí hạn chế cảng và cơ sở hạ tầng; tỉnh, thành phố địa phương đưa ra các chi phí hạ tầng mới; kiểm tra đặc biệt hoặc kiểm tra chất lượng, kiểm dịch; không quy hoạch được vùng nguyên liệu… Đồng quan điểm với ông Minh, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam Trần Đỗ Liêm phân tích thêm, hoạt động logistics ở Việt Nam quá phức tạp, nhiều chi phí, kể cả chi phí không chính thức nên đẩy chi phí logistics tăng cao.

Bên cạnh đó, liên quan đến thu mua nguyên liệu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết mỗi năm công ty thu mua trên 100.000 tấn/năm trong đó, 70% thu mua qua trung gian và chỉ có 30% thu mua trực tiếp qua hệ thống nông hộ. Qua đó, cho thấy để giảm chi phí logistics nên các công ty vẫn ưu tiên thu mua nguyên liệu từ nhà trung gian. Bởi lẽ, hiện nhiều vùng nguyên liệu chưa được quy hoạch dẫn đến sản lượng nhỏ nên chỉ khi thông qua khâu trung gian thì các công ty mới thu mua đủ số lượng. Thêm vào đó, chi phí thu mua thông qua trung gian thấp hơn so với thu mua nông hộ. Nhưng vấn đề, việc thu mua qua trung gian sẽ không bảo đảm về chất cũng như truy xuất nguồn gốc. Điều này dẫn đến các sản phẩm của Việt Nam rất khó xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Chi phí Logistics quá cao làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt  

Ảnh: Nguyễn Ngân 

Tác động đến mọi ngành nghề

Hiện nay, logistics có liên quan đến tất cả ngành nghề khác vì ngành này phụ trách chi phí lưu thông. Do đó, chi phí lưu thông hiệu quả thì các ngành sẽ đều hiệu quả. Thêm vào đó, trong bối cảnh thế giới sẽ có một thế giới mới, dịch bệnh sẽ đưa chúng ta sang một thế giới khác biệt đó là thế giới dữ liệu công nghệ số.

Chi phí logistics cao khiến giá thành hàng hóa của Việt Nam nói chung tăng cao hơn so với các nước khác, giảm sức hút đầu tư và cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, thương mại điện tử tăng trưởng 35%/năm; doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 ước tính tăng 20%/năm và tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Với những thay đổi trong thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam đã đặt ra yêu cầu ngành logistics Việt Nam phải cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và phải có giải pháp để giảm chi phí logistics.

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu được chi phí logistics cần quy hoạch thị trường này thông qua việc kết nối đa phương tiện giữa đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không để tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không; đẩy mạnh phát triển loại hình vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nhất là đối với hàng hóa quá cảnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ, hóa đơn thu mua trực tiếp và có chế tài để kiểm soát các mức phí không đúng quy định. Đồng thời, cần xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin.

Nguyễn Ngân