Các nghị viện thành viên AIPA - Liên bang Malaysia

Quyền hạn và trách nhiệm

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:06 - Chia sẻ
Như các cơ quan lập pháp các nước khác, Quốc hội Malaysia là cơ quan duy nhất có chức năng lập hiến và lập pháp; có trách nhiệm giải thích, sửa đổi hoặc thay thế các văn bản pháp luật.

 Quyền miễn trừ tư pháp

Để bảo đảm thực hiện chức năng của mình, các nghị sĩ được trao “quyền miễn trừ tư pháp”, theo đó các nghị sĩ được phép thảo luận về vấn đề nào đó mà không sợ bị chỉ trích từ bên ngoài Quốc hội, cơ quan duy nhất có quyền khiển trách đại biểu là Ủy ban Đặc ân của Nghị viện. Khả năng miễn trừ của đại biểu có hiệu lực khi đại biểu nhậm chức, và chỉ áp dụng cho các đại biểu trong phòng họp, không áp dụng cho các ý kiến được bày tỏ ở ngoài Quốc hội. Ngoài ra, có một ngoại lệ khác được quy định trong Đạo luật Nổi loạn, được Nghị viện thông qua sau cuộc bạo động sắc tộc ngày 13.5.1969. Theo Luật này, tất cả các cuộc thảo luận công khai về việc bãi bỏ một số điều trong Hiến pháp đối với người gốc Mã Lai như Điều 153 Hiến pháp đều bất hợp pháp. Quy định cấm được mở rộng cho tất cả thành viên của Nghị viện. Các thành viên của Nghị viện cũng bị cấm chỉ trích nhà vua và các thẩm phán.

Hội trường Thượng viện Malaysia  

Quyền giám sát

Chính phủ hành pháp, bao gồm Thủ tướng và nội các, thường được tuyển chọn từ các thành viên Nghị viện, hầu hết là đại biểu Quốc hội. Sau cuộc tổng tuyển cử hoặc trong thời gian chức vụ, Thủ tướng qua đời, từ chức hoặc bị truất phế, nhà Vua sẽ lựa chọn Thủ tướng mới là thường là lãnh đạo Đảng chiếm đa số trong Quốc hội. Thủ tướng đệ trình danh sách thành viên Nội các lên nhà Vua. Các thành viên Nội các phải là thành viên Nghị viện.

Nội các trình bày chính sách của chính phủ và dự thảo luật trong các cuộc họp riêng. Các thành viên phải chấp thuận chịu "trách nhiệm chung" cho các quyết định được Nội các đưa ra, cho dù có thành viên không đồng ý. Nếu thành viên nào không muốn chịu trách nhiệm về quyết định của chính phủ, thành viên ấy buộc phải từ chức. Hiến pháp không quy định người tạm quyền Thủ tướng, nhưng thực tế Phó Thủ tướng sẽ là quyền Thủ tướng khi Thủ tướng không đảm nhiệm được chức vụ như qua đời hay không đủ sức khỏe.

Trong trường hợp Thủ tướng mất tín nhiệm từ Quốc hội dù là thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc thất bại trong việc thúc đẩy thông qua ngân sách, Thủ tướng sẽ buộc phải đề xuất với Quốc vương để giải tán Quốc hội và tổ chức cuộc tổng tuyển cử hoặc nộp đơn từ chức lên Quốc vương. Vua có quyền chấp thuận hoặc bác bỏ đề xuất giải tán Quốc hội. Nếu bác bỏ giải tán, Nhà vua sẽ bổ nhiệm Thủ tướng mới theo sự hỗ trợ của đa số các đại biểu trong Quốc hội.

Quyền lập pháp

Trong quy trình lập pháp, Hạ viện là nơi chuẩn bị các dự luật. Việc sửa đổi các đạo luật thông thường được tiến hành theo hình thức giản đơn nhưng việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp thì phải tuân thủ những quy định đặc biệt hơn và phải bảo đảm có ít nhất 2/3 số phiếu tán thành tại Quốc hội.

Sáng kiến luật thuộc về Chính phủ và nghị sĩ. Các dự án luật về các khoản chi tiêu phải do Bộ trưởng Tài chính trình và chỉ phải xem xét ở Hạ viện (Thượng viện không có quyền tham gia vào các dự luật tài chính). Sáng kiến luật được xuất phát từ chương trình xây dựng luật hàng năm. Khi một bộ trưởng quyết định phải có một dự luật, bộ đó phải soạn thảo dự luật gửi cho bộ phận soạn thảo văn kiện của Quốc hội và các bộ liên quan để tham khảo ý kiến. Lần đọc thứ nhất phải được báo trước một ngày đối với các dự án luật và trước 14 ngày đối với kiến nghị luật được chấp thuận. Các kiến nghị luật phải được kèm theo một văn bản giải thích. Sau đó, dự luật được thảo luận và thông qua tại Nội các trước khi trình ra Quốc hội.

Ở giai đoạn Quốc hội, thông thường dự luật được chuẩn bị ở Hạ viện theo quy trình 3 lần dự thảo.

Tại lần trình thứ nhất: Các nghị sĩ thảo luận về tên gọi của dự luật.

Tại lần trình thứ 2: Bộ trưởng chịu trách nhiệm về dự luật đệ trình trước Quốc hội. Lần thảo luận thứ hai không được tiến hành cùng ngày với lần thứ nhất và văn bản dự luật phải được gửi trước cho nghị sĩ nghiên cứu.

Tại lần trình thứ 3: Dự luật tiếp tục được bổ sung, sửa đổi và cuối cùng được đưa ra biểu quyết để xem dự luật có được thông qua hay không.

Trường hợp dự luật được Hạ viện thông qua, Hạ viện sẽ gửi thông điệp cùng dự luật cho Thượng viện để xem xét, chuẩn y.

Tại Thượng viện, thông điệp được đọc toàn văn để các thượng nghị sĩ thảo luận. Thượng viện có quyền “làm chậm trễ” quá trình thông qua trong vòng 1 năm hoặc một tháng tùy vào tính chất của dự luật. Nếu không đồng tình với dự luật, Thượng viện gửi trả lại cho Hạ viện và Thượng viện sẽ xem xét lại dự luật sau 1 năm đối với các dự luật bình thường, còn với các dự luật quan trọng được xem xét lại sau 1 tháng.

Trường hợp Hạ viện không đồng tình với sửa đổi của Thượng viện, Hạ viện gửi trả lại cho Thượng viện và Thượng viện có 1 tháng để xem xét.

Trường hợp dự luật được sự đồng ý của Thượng viện, sau 1 tháng, dự luật được gửi cho Quốc vương để phê chuẩn. Nếu không đồng ý điều khoản nào đó, dự luật được gửi trả lại cho Hạ viện kèm theo lý do không tán thành. Hạ viện khi đó sẽ thảo luận lại. Sau thời gian 1 tháng, Hạ viện gửi lại cho Quốc vương toàn bộ văn bản sửa đổi. Nếu như sau 60 ngày, Quốc vương không có ý kiến gì, điều đó có nghĩa là văn bản dự luật đã được Quốc vương chấp thuận.

Năm 1968, Quốc hội Malaysia đã thông qua đạo luật về sửa đổi luật, theo đó, Ủy ban Sửa đổi lauatj có quyền xem xét các đạo luật đã thông qua và có kiến nghị với Quốc hội. Các đạo luật đã ban hành được ghi vào danh mục theo số thứ tự nhằm tạo thuận lợi cho việc tra cứu.

Thông thường, Quốc hội chỉ thông qua các đạo luật chung, còn các hướng dẫn chi tiết Quốc hội ủy nhiệm cho các bộ có liên quan ban hành. Văn bản do các bộ ban hành được gọi là văn bản dưới luật. Đây được gọi là chế độ lập pháp ủy quyền.

Vũ Quỳnh