Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường TRẦN HỒNG HÀ:

Quyết liệt đổi mới tư duy, hành động

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:24 - Chia sẻ
Sau hơn nửa nhiệm kỳ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường TRẦN HỒNG HÀ chia sẻ, “áp lực lớn nhất là phải giải quyết hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển”. Ông thừa nhận, vấn đề môi trường vẫn là thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi “những người làm công tác bảo vệ môi trường phải quyết liệt hơn nữa trong đổi mới tư duy, hành động phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước”.

“Nhân dịp Xuân mới, thay mặt những người làm công tác quản lý tài nguyên và môi trường, tôi xin trân trọng cảm ơn các ĐBQH, đồng bào, cử tri cả nước đã đồng hành, chia sẻ, đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện để chúng tôi hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Tôi mong rằng các ĐBQH và cử tri cả nước sẽ tiếp tục quan tâm, ủng hộ quyết tâm đổi mới tư duy, hành động của ngành tài nguyên và môi trường để tạo ra những đột phá mới trong công tác bảo vệ môi trường trong năm 2019 và các năm tiếp theo”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Áp lực lớn nhất

- Thưa Bộ trưởng, ông từng chia sẻ điều khiến ông băn khoăn và trăn trở là làm thế nào để kiểm soát ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng. Hơn một nửa chặng đường của nhiệm kỳ này đã qua, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, điều gì khiến ông cảm thấy hài lòng, điều gì khiến ông vẫn còn trăn trở?

- Như tôi đã nhiều lần báo cáo tại nghị trường Quốc hội, ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ, ngành tài nguyên và môi trường đã phải đối mặt với thách thức rất lớn, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường bùng phát do tác động tích lũy trong thời gian dài khi chúng ta phát triển theo mô hình thiếu bền vững, thâm dụng nhiều vào môi trường. Đỉnh điểm là sự cố môi trường biển liên quan đến Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ở 4 tỉnh miền Trung.

Trong khó khăn đó, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu; giám sát của Quốc hội; sự vào cuộc tích cực của các địa phương; sự chia sẻ, đồng hành của nhân dân; toàn ngành đã chủ động ứng phó, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao.

Và cũng từ sau sự cố môi trường biển này, chúng ta đã hình thành một phương thức, tư duy mới trong quản lý, bảo vệ môi trường: Chủ động kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm; bảo đảm các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng như Formosa Hà Tĩnh… Phương thức và tư duy quản lý mới này đã tiếp tục được cụ thể và thể chế hóa trong các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đã được ban hành trong hơn 2 năm qua. Nhờ đó, các chỉ số về môi trường có sự chuyển biến tích cực: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 88%; hoàn thành xử lý triệt để 233 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Mặc dù vậy, vấn đề môi trường vẫn tiếp tục là thách thức lớn. Ô nhiễm môi trường ở nông thôn, đô thị, làng nghề, các cụm công nghiệp còn diễn biến phức tạp; ô nhiễm không khí diễn ra ở nhiều nơi… Đây là những trăn trở, đặt ra yêu cầu đối với những người làm công tác bảo vệ môi trường chúng tôi phải quyết liệt hơn nữa trong đổi mới tư duy, hành động phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

- Thực tế, môi trường là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận và người dân. Là người đứng đầu trực tiếp quản lý về môi trường, đâu là áp lực lớn nhất đối với ông?

- Tôi cho rằng áp lực lớn nhất là phải giải quyết hài hòa giữa vấn đề môi trường và phát triển để đạt được hai mục tiêu là bứt phá trong phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng môi trường cho phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho nhân dân; bảo đảm sự chủ động của Việt Nam trước nguy cơ chuyển dịch công nghệ lạc hậu, ô nhiễm từ bên ngoài, đặc biệt trong điều kiện đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tại nhà điều hành xử lý nước thải Formosa Hà Tĩnh

Chủ động phòng ngừa ô nhiễm

- Trong công tác điều hành, ông luôn xác định phương châm bảo vệ môi trường chính là đầu tư cho sự phát phát triển bền vững của đất nước, do đó đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Đến nay, ông đã cảm thấy yên tâm với công cụ quản lý này chưa?

- Để thực hiện phương châm đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật với 4 nghị định, 18 quy chuẩn quốc gia, 15 thông tư về môi trường. Trong đó, đã hoàn thiện các chính sách về phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; thay đổi tư duy, phương thức bảo vệ môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, thông qua nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, làm chủ công nghệ giám sát…

Tuy nhiên, để tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, đã đến lúc cần phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo hướng tiệm cận với các nước tiên tiến.

- Để bảo vệ môi trường, nếu thể chế hoàn thiện nhưng nguồn nhân lực không bảo đảm về chuyên môn, đạo đức thì khó thành công. Vậy Bộ trưởng đã giải quyết vấn đề này thế nào?

- Đây là khó khăn không nhỏ đối với ngành tài nguyên và môi trường. Thực tế những năm qua cho thấy, lực lượng làm công tác bảo vệ môi trường, nhất là ở cấp cơ sở còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên sâu, trong một số trường hợp còn thiếu trách nhiệm khi thực thi công vụ.

Để giải bài toán này, trước hết, cơ chế, chính sách, pháp luật phải xác định rõ đâu là trách nhiệm của Nhà nước, đâu là trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố. Thứ hai, Bộ đã xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương (Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 10.8.2017) và đang tích cực tổ chức triển khai. Thứ ba, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào công tác bảo vệ môi trường như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động trong quan trắc…

- Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổ chức mới đây, Bộ trưởng đã xác định môi trường là một trong những vấn đề trọng tâm cần tạo đột phá trong năm 2019. Vậy hướng triển khai cụ thể là gì, thưa ông?

- Trước hết, cần tập trung ngay vào việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm chuyển đổi căn bản phương thức quản lý môi trường, lấy chủ động phòng ngừa ô nhiễm, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên làm nguyên tắc chủ đạo; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao; kiểm soát chặt chẽ các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thể chế hóa kịp thời các cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai lập các quy hoạch về bảo vệ môi trường theo đúng tinh thần của Luật Quy hoạch. Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt chú trọng xây dựng cơ chế để giảm thiểu, quản lý chặt chẽ rác thải nhựa từ đất liền. Tập trung quản lý môi trường các khu công nghiệp, làng nghề; tăng cường bảo vệ môi trường các lưu vực sông...

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Vũ Thủy thực hiện