KỲ HỌP THỨ 12, HĐND TỈNH HƯNG YÊN KHÓA XVI

Rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện

- Thứ Hai, 13/07/2020, 06:45 - Chia sẻ
Với sự điều hành linh hoạt, kết luận rõ từng nội dung đặt ra của chủ tọa kỳ họp, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hưng Yên khóa XVI đã diễn ra trong không khí sôi nổi, trách nhiệm và hiệu quả cao. Các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn gắn liền với những vấn đề cử tri quan tâm; các tư lệnh ngành nghiêm túc cầu thị, trách nhiệm trong việc trả lời. Chủ tọa đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các nội dung đại biểu chất vấn theo hướng phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ tiến độ thực hiện.

Tham mưu giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Mặc dù là ngành ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh Covid-19, kết quả đạt được 6 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực song sản xuất nông nghiệp vẫn là nội dung được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm, đặt vấn đề đối với tư lệnh ngành, nhằm đưa phát triển nông nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều dấu ấn trên thị trường.

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Trung Thành (TP Hưng Yên) về giải pháp khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu dẫn tới giá thịt lợn tăng cao và hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi để sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Giám đốc Sở NN - PTNT Đỗ Minh Tuân cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đang tái phát và giá thịt lợn hơi trên thị trường ở mức cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Sở đã tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và chăn nuôi Vietgap bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về thực hiện tốt việc tái đàn, tăng đàn lợn tại các cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học và chăn nuôi Vietgap. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai tái đàn lợn và rà soát, giám định đàn lợn giống tại các cơ sở trên địa bàn; tập trung chăm sóc tốt đàn lợn đực giống và đặc biệt quan tâm đến bảo đảm chất lượng cho sản xuất con giống.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện tốt Đề án; đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch theo phương châm “phòng dịch như dập dịch” và chú trọng giám sát dịch tễ, tiêm phòng, khử trùng tiêu độc, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ. Hiện, do chưa có vắc xin và thuốc nên quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không tái đàn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn dịch bệnh; chỉ khuyến khích tái đàn đối với doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và VietGAP. Ngoài ra, đưa ra các giải pháp tiếp tục mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để giảm áp lực giá đối với thịt lợn.

Về giải pháp duy trì phát triển hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn và xây dựng thương hiệu nông sản, Sở đã tham mưu xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Thời gian tới, sẽ tập trung vào các tính năng kết nối cung cầu, thanh toán trực tuyến, xây dựng mẫu sản được chứng nhận OCOP và đánh giá của người tiêu dùng; tiếp tục duy trì mở rộng sản xuất kinh doanh sản phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kết nối hệ thống điện tử của các tỉnh đã có hệ thống thông tin để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chất lượng các mẫu sản phẩm bảo đảm điều kiện an toàn trước khi cập nhật hệ thống.

Bên cạnh những giải pháp đã được đề cập, chủ tọa kỳ họp đề nghị ngành nông nghiệp tích cực và chủ động hơn trong đầu tư phát triển nông nghiệp địa phương. Trong đó, phối hợp với các ngành và tham mưu UBND tỉnh giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để phát triển sản xuất. Trong giải pháp tính đến nhằm ổn định lại chăn nuôi lợn trên địa bàn, chủ tọa kỳ họp cho rằng, tái đàn là cả một chu trình mới có được những con lợn thành phẩm. Do đó, ngành chức năng cần nghiên cứu kỹ các giải pháp để có được nguồn lợn thành phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân từ nay đến khi thực hiện được việc tái đàn thành công.

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp

Xã hội hóa xử lý rác thải, nước thải

Bài toán ô nhiễm môi trường trên địa bàn luôn là vấn đề nan giải, đã được đưa ra chất vấn tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh. Song trên thực tế, kết quả giải quyết tồn tại còn nhiều hạn chế, những giải pháp ngành chức năng đề ra có nội dung vẫn chưa được thực hiện hoặc hiệu quả mang lại chưa cao. Tại kỳ họp này, tư lệnh ngành TN - MT tiếp tục trả lời chất vấn về vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở TN - MT Nguyễn Văn Phú thông tin: Theo kết quả khảo sát, đánh giá của Sở, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh hiện khoảng 700 tấn/ngày, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm khoảng 10%. Trong khi đó, năng lực xử lý của các khu xử lý rác thải tập trung của tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 42% tổng lượng rác thải phát sinh toàn tỉnh. Để nâng cao năng lực xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý rác, trên cơ sở thực tế đầu tư, vận hành lò đốt rác thải của Công ty Urenco 11 tại 2 khu xử lý rác thải tập trung của tỉnh, Sở đã có văn bản hướng dẫn các huyện, thị, thành phố lựa chọn vị trí, công nghệ xử lý, hình thức đầu tư và quản lý vận hành lò đốt rác. Hiện, Sở đang phối hợp với Sở Xây dựng làm việc với các huyện nhằm tháo gỡ khó khăn trong quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt và triển khai đầu tư, xây dựng khu xử lý rác thải tập trung của huyện, nhất là việc lựa chọn công nghệ lò đốt rác.

Để nâng cao chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, bên cạnh những giải pháp thực hiện của Sở, các huyện, thị, thành phố đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, Giám đốc Sở TM - MT mong muốn các địa phương đồng hành trong việc tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân giữ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, không đổ rác bừa bãi; nhân rộng mô hình phân loại tại nguồn để xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn để xảy ra tình trạng vi phạm về đổ rác, gây ô nhiễm môi trường.

Trước những giải pháp đại diện ngành chức năng đề ra, chủ tọa kỳ họp đề nghị Sở TN - MT khẩn trương đôn đốc các đơn vị đánh giá hiệu quả dây chuyền xử lý rác thải mới để nhân ra diện rộng; tham mưu UBND tỉnh giải pháp thực hiện tốt việc xử lý nước thải chăn nuôi và nước thải sinh hoạt. Đồng thời, tập trung tham mưu tỉnh có chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa tham gia xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt.

BẢO TRÂM