Sách là thầy, là bạn

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:25 - Chia sẻ
Lần đầu tiên Phó Chủ tịch Quốc hội PHÙNG QUỐC HIỂN dành cho Báo Đại biểu Nhân dân một cuộc trao đổi cởi mở về vấn đề không phải lĩnh vực chuyên môn ông phụ trách nhưng lại là “nhu cầu, món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người”, đó là sách và đọc sách.

“Tôi thường bỏ túi một cuốn sổ nhỏ, ghi lại những gì hay mình đọc được, hoặc những câu mình thích. Trong các kỳ họp Quốc hội, đại biểu nào có câu phát biểu hay tôi cũng ghi lại. Thi thoảng mở ra đọc lại thấy rất thú vị”.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Người thầy thứ tư

- Nhiều người tò mò, một chính khách công việc bận rộn như ông, thời gian đọc sách vào lúc nào? Ông có chọn sách để đọc khai xuân không?

- Tôi thường khai bút chứ không “khai sách” (cười). Cũng giống như nhiều người sinh ra ở thập niên 1950 - 1960, tôi làm vài câu thơ ngắn đầu xuân cho vui. Hàng ngày tôi dành khoảng một tiếng vào buổi tối để đọc sách và thỉnh thoảng cuối tuần vẫn có cái thú dạo qua các hiệu sách. Đi công tác bao giờ tôi cũng mang theo 1 - 2 cuốn sách, có thể là cuốn sách đọc rồi, đọc lại kỹ hơn, hoặc là cuốn đang đọc thì mang đi đọc tiếp.

Lúc còn nhỏ tuổi, tôi đã may mắn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều loại sách. Khi ấy, Thư viện tỉnh sơ tán về gần nhà tôi và tôi được đọc những cuốn như Tây Du ký, Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Bút ký người đi săn, Chiến tranh và hòa bình… rồi các tác phẩm văn học trong và ngoài nước khác. Có những truyện khi ấy đọc không hiểu nhưng vẫn đọc. Từ đó tôi có đam mê đọc sách.

- Sách với ông có ý nghĩa như thế nào?

- Cuộc đời con người có 4 người thầy. Khi sinh ra, cha mẹ là người thầy đầu tiên, đi học là thầy cô giáo, lớn lên đi làm thì người thầy là nhân dân, là xã hội, và người thầy thứ tư chính là sách - người thầy mẫu mực và suốt đời. Như Marx từng nói: “Sách là nô lệ của tôi, nhưng cũng là người bạn tốt nhất của tôi”. Đúng thế, không chỉ cung cấp kiến thức, đọc sách còn mang lại cho ta niềm vui, giúp ta vơi đi nỗi buồn. Với những đứa trẻ ở miền núi, lại trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn như tôi, không có phương tiện giải trí gì khác, thì sách quả là người bạn lớn. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ “Ti-Mua và đồng đội”, “Những cuộc phiên lưu của Mít đặc và Biết tuốt”… hay hình ảnh Bóng nhựa và Bút thép trên báo Thiếu niên tiền phong - những người bạn thân thiết của thiếu nhi Việt Nam một thời.

Đọc sách chủ động

- Có một thực tế là hiện nay lại quá nhiều loại sách, hay có, dở có, khiến độc giả đôi khi cảm thấy hoang mang, không biết nên chọn đọc cái gì, thậm chí đọc mà không biết thông tin trong sách đúng hay sai…

- Giữa một biển tri thức, nguy hiểm nhất là không phân biệt được thông tin đúng - sai mà cứ tin theo. Vì thế, cần đọc sách một cách chủ động, tìm sách cũng như tìm bạn. Người đọc sách cũng là nhà phê bình, ở đây không có nghĩa là nhà phê bình sách chuyên nghiệp nhưng phải tự mình đánh giá đoạn văn, câu chuyện, cuốn sách này hay hay dở, đúng hay sai.

Sách có thể chia ra làm bốn loại: Sách dành cho nghiên cứu; sách đọc để bổ sung kiến thức; sách để giải trí; và sách để giết thời gian. Tùy theo từng hoàn cảnh, mục đích mà ta chọn cuốn sách phù hợp.

- Giờ đây khi thời gian rảnh rỗi ít hơn, lại bị chi phối bởi nhiều phương tiện giải trí khác, ông thường chọn đọc loại sách gì?

- Mặc dù hàng ngày vẫn duy trì khoảng một tiếng để đọc sách nhưng đúng là giờ đây thời gian đọc sách của tôi giảm nhiều, không được như trước, và tôi chủ yếu đọc sách nghiên cứu, phục vụ công việc. Bên cạnh những cuốn sách về lĩnh vực kinh tế, tài chính, tôi cũng đọc sách về văn hóa, lịch sử, xã hội… để bổ sung kiến thức. Hiện nay có rất nhiều kiến thức mới mà mình cần cập nhật, như nền kinh tế tri thức, cuộc cách mạng 4.0, thế giới phẳng, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ mậu dịch trong điều kiện mới... chỉ có đọc sách mới hiểu được cội nguồn của những khái niệm này. 

- Công nghệ thông tin, internet phát triển, muốn tìm hiểu vấn đề gì, chỉ cần một cú click chuột; cũng không cần lập tủ sách khi một thiết bị đọc sách điện tử đã chứa đủ mọi thứ. Liệu rồi sách giấy có thoái trào không, thưa ông?

- Nếu chỉ đọc báo, lướt web thì như đi trên con đường cát, kiến thức mang tính thời sự, không hệ thống, nên dễ trôi đi. Tôi cũng có thiết bị đọc sách điện tử nhưng nói thật, tôi không thích lắm. Có hai lý do, mỏi mắt và không đúng gu. Có lẽ tôi là người cổ hủ. Tôi thích cầm và lật giở những cuốn sách giấy hơn. Tôi thích những cuốn sách cũ. Sách càng cũ càng có cái hay của nó. Sách xuất bản lần thứ nhất, có bút tích của tác giả hay của nguời đọc trước thì càng có ý nghĩa. Cho dù ngày xưa sách in xấu, giấy đen, chữ nhỏ nhòe, nhưng vẫn cho cảm giác thích thú. Tôi cho rằng, sách in, kể cả báo in, có thể bị các loại báo điện tử, truyền hình lấn át, thậm chí bị thoái trào, nhưng vẫn là gốc rễ của tri thức và văn hóa đọc, còn sách điện tử chỉ là vấn đề công nghệ. Đó là thực tế và chúng ta cần phải duy trì sách, báo in.


Một vài cuốn “Truyện Kiều” do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển sưu tầm
Ảnh: Lâm Hiển

Lật giở ký ức

- Nhiều người cứ gặp cuốn sách hay, hoặc viết về vấn đề mình quan tâm, là mua, dù đọc hay không đọc ngay, vì cho rằng sớm muộn cũng cần đến nó. Ông có thói quen như vậy không?

- Đến các trung tâm văn hóa lớn, tôi cũng hay tìm đến các hiệu sách, nhất là các hiệu sách cũ, và nhiều khi tìm được những cuốn rất thú vị với giá rất rẻ. Cuộc đời con người không bao giờ biết hết, chỉ biết đủ, vì kiến thức vô biên, mà đôi khi có những kiến thức phải trải qua một giai đoạn nhận thức mới thấm nhuần. Vì thế, mỗi người nên dành cho mình một góc nào đó lập tủ sách, và hãy chọn sách phục vụ cho chính mình. Tôi hay kiếm những cuốn sách viết về Việt Nam. Và đến nay trong tủ sách của tôi có khá nhiều cuốn viết về chiến tranh, lãnh tụ, văn hóa và lịch sử Việt Nam.

- Chắc hẳn ông cũng có nhiều cuốn hay?

- Tôi có vài cuốn “Truyện Kiều” in hoặc chép tay, hay có gần trọn bộ tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những số sau này tôi đặt để đọc, còn giai đoạn đầu cũng phải sưu tầm nhiều năm mới gần đủ bộ. Đây có lẽ là “cuốn lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam” bằng văn - thơ - nhạc, cho thấy sự phát triển của đất nước qua nhiều giai đoạn khác nhau.

- Nếu ví mỗi cuốn sách như một cuốn album, khi nào thì ông xem lại những cuốn album của mình?

- Lúc nào cảm thấy muốn tìm hiểu lại vấn đề nào đó hoặc lật giở ký ức, thì tôi mở chúng ra. Với tôi, mỗi cuốn sách gắn với một kỷ niệm. Thực ra đi đâu cũng nên mua một vật làm kỷ niệm và tôi hay chọn cách mua sách. Trong mỗi cuốn sách tôi đều ghi lại ngày tháng, địa điểm và chuyến đi. Có thể mươi năm sau, xem lại, nó như một cuốn phim. Tôi giữ sách để sau này con cháu mình lớn lên, đến lúc nào đó lật giở lại, chúng sẽ tìm hiểu tại sao cha ông lại gạch chân chỗ này hay ghi chú thích chỗ kia. Cũng như bây giờ tôi rất xúc động khi mở lại cuốn sách nào đó mà cha ông mình ghi chú bên cạnh hoặc ký vào đó. Đọc sách mà thấy hình ảnh về người thân như trở về. Vì thế, tôi cho rằng mỗi cuốn sách như một trang sử nhưng phải đến thời điểm nào đó đủ trải nghiệm con người ta mới cảm nhận được sự sâu xa của nó.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyên Anh thực hiện