Chính sách và cuộc sống

Sân chơi bình đẳng

- Thứ Tư, 12/06/2019, 08:23 - Chia sẻ
Việt Nam đang có những điều kiện tốt cho nền kinh tế số phát triển mạnh nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách hoàn thiện để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Giám đốc một doanh nghiệp nội có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng trên môi trường trực tuyến mỗi năm cho hay, những công ty toàn cầu như Facebook, Google… cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nên không bị quản lý bởi chính sách của Việt Nam; và đây cũng là một trong những lợi thế của họ trong cuộc cạnh tranh không cân sức với doanh nghiệp Việt, vốn có tiềm lực tài chính kém hơn.

Thực trạng này đặt các nhà hoạch định chính sách trước câu hỏi: Làm thế nào để doanh nghiệp nội và ngoại có được sự đối xử bình đẳng khi kinh doanh trên môi trường internet? 

Sân chơi bình đẳng ở đây cần được xem xét trên 2 khía cạnh: Bình đẳng về điều kiện kinh doanh và nghĩa vụ thuế. Về điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp bất lợi hơn khi thủ tục xin phép - cấp phép, rồi trách nhiệm kiểm soát, kiểm duyệt nội dung của người dùng (áp dụng cho các mạng xã hội; báo chí, nội dung số, game) vừa nặng nề vừa tốn kém chi phí. Trong khi đó, nhờ ưu điểm trong mô hình hoạt động, cung cấp dịch vụ từ nước ngoài, doanh nghiệp ngoại không phải gánh chịu các chi phí này.

Các doanh nghiệp trong nước thường gọi tình trạng này là bảo hộ ngược và có vẻ họ muốn “quàng cái ách” mình đang mang lên các doanh nghiệp nước ngoài để bình đẳng về gánh nặng, thay vì cùng tìm cách gỡ cái ách đó cho tất cả doanh nghiệp (trong và ngoài nước) đang hoạt động trên thị trường. Đừng quên Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ký kết các hiệp định thương mại tự do mới, do đó cần tuân thủ nghĩa vụ không được cản trở việc các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Đổi lại doanh nghiệp Việt Nam cũng nhận được lợi ích tương tự khi kinh doanh ở các nước đối tác. Phải rất cẩn trọng trong việc áp đặt các rào cản kỹ thuật pháp lý, bởi nếu sai cam kết có thể bị trả đũa thương mại.

Lối ra ở đây là cần phải gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh và cấp phép quá chặt chẽ, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (như mạng xã hội, game, dịch vụ nội dung số). Đồng thời, Nhà nước cần áp dụng công nghệ để kiểm soát và kiểm duyệt nội dung với các nội dung được xem là chống phá, đi ngược lại lợi ích Nhà nước - không đẩy gánh nặng kiểm soát nội dung thuần túy cho doanh nghiệp. Nói cách khác, để giúp doanh nghiệp trong nước bình đẳng về “luật chơi” thì giải pháp là gỡ bỏ cái “ách” về điều kiện kinh doanh đang quàng lên doanh nghiệp trong nước.

Về bình đẳng thuế, đây là vấn đề thực sự gai góc khi xác định nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Hai dòng thuế chính ở đây là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hàng hóa là dịch vụ. Dù doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về nghĩa vụ thuế, nhưng hiện tại chưa xác định rõ được dòng thuế và mức thuế, rất khó có thể buộc tội doanh nghiệp nước ngoài trốn thuế. Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy định về thuế cho các dịch vụ xuyên biên giới. Tiến trình này nhất thiết cần làm việc và tham vấn chặt chẽ với các nhóm doanh nghiệp trong ngành, các nhóm chuyên gia cũng như tham khảo kinh nghiệm từ châu Âu, các nước OECD để sớm có quy định chi tiết.

Sa Nam