Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Sẵn sàng cung cấp dịch vụ công trực tuyến

- Thứ Ba, 07/07/2020, 05:26 - Chia sẻ
Để tiếp tục mang lại tiện ích cho người sử dụng, từ ngày 1.7, 6 dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cùng với những dịch vụ như chứng thực bản sao từ bản chính; cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông thì 2 dịch vụ công là đóng tiếp bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện; gia hạn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình cũng được tích hợp, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Giúp giảm thời gian và chi phí đi lại

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các dịch vụ công được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hướng tới việc phục vụ tốt hơn nhu cầu của hàng triệu người dân, doanh nghiệp như phục vụ việc gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình của hơn 17 triệu đối tượng; phục vụ hơn 614.000 đối tượng đóng BHXH tự nguyện và hơn 38 triệu đối tượng tiềm năng là các lao động chưa tham gia phương thức đóng BHXH nào. Như vậy, người dân ngồi nhà nhưng vẫn có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình.

Từ 1.7, người dân có thể ngồi nhà đóng tiếp BHXH tự nguyện

Theo đó, dịch vụ đóng tiếp BHXH tự nguyện cho phép người dân nộp trực tuyến số tiền đóng BHXH tự nguyện của mình (hoặc người thân). Dịch vụ này giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại, khuyến khích người dân tham gia, để tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân. Với trên 614.000 người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay, nếu thực hiện đóng BHXH trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm hơn 209,5 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, cả nước hiện có khoảng 55 triệu người trong độ tuổi lao động, trong khi mới chỉ có gần 16,6 triệu người tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện).

Cùng với đó, dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình sẽ cho phép người dân đóng tiền trực tuyến để gia hạn thẻ BHYT của mình hoặc người thân, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại. Nếu chỉ 50% số người trong tổng số hơn 17 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình thực hiện gia hạn trực tuyến, thì số tiền tiết kiệm được hàng năm cũng lên tới hơn 724,6 tỷ đồng/năm.

Cùng với việc thúc đẩy thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu điểm rất lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia là tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch. Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết; góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, giảm số người phải trực tiếp đến liên hệ, giao dịch tại cơ quan BHXH các cấp. 

Tiếp tục mở rộng dịch vụ công trực tuyến

Là một trong những cơ quan tham gia cung cấp dịch vụ sớm nhất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, có thể nói ngành BHXH đã tạo cho mình ưu thế lớn. Điều đó khẳng định mức độ sẵn sàng cung cấp dịch vụ công của ngành BHXH được xác lập trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cũng như thực hiện tốt việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan. 

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đánh giá, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ, chăm sóc khách hàng của ngành trong thời gian qua đã góp phần giúp ngành BHXH đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức giao dịch với cơ quan BHXH của người dân và tổ chức, từ hình thức giao dịch trực tiếp sang hình thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phải triển khai hơn 12.400 đại lý thu BHXH, BHYT với hơn 37.300 điểm thu và hơn 52.200 nhân viên đại lý thu nhằm phục vụ người tham gia BHXH tự nguyện. Qua tài khoản Dịch vụ công quốc gia, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan. Đến nay, tất cả dữ liệu nghiệp vụ của ngành bảo hiểm đều được liên thông, kết nối và đồng bộ, bảo đảm triển khai các hoạt động nghiệp vụ trên phần mềm công nghệ thông tin. Nhờ đó, không chỉ thời gian tra cứu thông tin mà thời gian đóng nộp BHXH cũng được rút ngắn.

Từ nay đến cuối năm 2020, ngành BHXH sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của ngành; rà soát xử lý dữ liệu thẻ BHYT cấp trùng; hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ. Đồng thời, đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% hồ sơ, tài liệu của ngành sẽ được số hóa; chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử, đặc biệt là tích hợp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Hải Yến