Sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về hàng giả, hàng nhái

- Chủ Nhật, 27/09/2020, 08:50 - Chia sẻ
Hiện nay nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các sàn thương mại điện tử gây ra nhiều hệ lụy cho cả khách hàng lẫn doanh nghiệp. Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc quản lý chất lượng sản phẩm trên các "chợ mạng" không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà còn của chính các sàn giao dịch.

Số vụ vi phạm tăng

Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực từ ngày 15.10 tới. Theo đó, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Tổng cục Quản lý thị trường dự báo, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của nước ta giai đoạn 2015 - 2025 ở mức 43%. Tính riêng năm 2020, doanh thu thương mại điện tử dự báo vượt ngưỡng 13 tỷ USD. Song hành với sự phát triển đó là số lượng các vụ vi phạm trên lĩnh vực này cũng tăng lên. Chỉ riêng trong năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm, xử phạt 16,3 tỷ đồng hành vi vi phạm về thương mại điện tử và lợi dụng hình thức này để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả...

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết, năm 2014 Bộ Công thương đã trình Thủ tướng ban hành Chương trình về phát triển thương mại điện tử đến năm 2020. Cùng với đó, dịch Covid-19 tạo ra một cú hích rất lớn, thúc đẩy ngành bán lẻ chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu người dân nhưng sự tăng trưởng còn khiêm tốn, các kênh phân phối vẫn chưa thu hút được nhiều người tiêu dùng. Thậm chí thời gian qua có những sự vi phạm về cạnh tranh thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái... làm cho người tiêu dùng rất e ngại. Đây là hạn chế lớn nhất trong việc phát triển các sàn thương mại điện tử.

Thực tế, chỉ cần tìm kiếm tên các thương hiệu nổi tiếng như Gucci hay Chanel trên các "chợ điện tử" sẽ thấy sản phẩm được bán với mức giá rất rẻ từ 200.000 - 500.000 đồng. Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, phương thức mua bán qua sàn thương mại điện tử là lựa chọn tối ưu cho khách hàng trong mùa dịch nhưng lợi dụng ưu thế này, nhiều đối tượng đã kinh doanh hàng giả, hàng không đúng nguồn gốc. “Nguyên nhân chính là do khâu quản lý thị trường chưa thực sự nghiêm túc và hiệu quả. Điều này kéo theo hệ quả nghiêm trọng với cả doanh nghiệp và khách hàng. Khách hàng bỏ tiền mua nhưng không được sử dụng sản phẩm đạt chất lượng sẽ ảnh hưởng đến vật chất lẫn niềm tin. Còn với doanh nghiệp, việc này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của những doanh nghiệp làm ăn chân chính và có thể gây thất thoát về thuế cho Nhà nước”, ông Cường cho biết.

Hàng giả, hàng kém chất lượng ngập tràn trên "chợ mạng"  

Nguồn: ITN 

Chủ sàn phải đền bù nếu khách mua phải hàng giả

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chỉ rõ, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ ở các kênh bán hàng truyền thống mà còn xuất hiện nhiều trên các nền tảng kỹ thuật số, đòi hỏi cơ quan quản lý cần đề xuất những quy định chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm minh các vi phạm. “Cục Quản lý thị trường cũng cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương, tăng cường kiểm tra định kỳ, thường xuyên với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử”, ông Phú nhấn mạnh.  

Việc quản lý chất lượng sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, theo Luật sư Đặng Văn Cường không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà còn có vai trò của chính các sàn giao dịch đó thông qua việc lựa chọn các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các trang web thương mại điện tử bán hàng phải công bố những thông tin tối thiểu như, tên, địa chỉ trụ sở, số điện thoại, hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác. Đồng thời, cần phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ. Khi khách hàng gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ sàn giao dịch phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Vừa qua, Bộ Công thương đã xây dựng kế hoạch để phát triển thương mại điện tử và rất kỳ vọng đến năm 2025 sẽ có khoảng 55 triệu người tiêu dùng có khả năng sử dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ từ thương mại điện tử đạt tới 35 tỷ USD, chiếm 10% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. “Để đạt được mục tiêu này, về mặt quản lý nhà nước cần tạo ra được chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, có những công cụ quản lý chặt chẽ để loại bỏ dần những doanh nghiệp làm ăn bất chính. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng các công cụ của công nghệ thông tin để truy xuất hàng hóa, bảo đảm không có tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi trên sàn thương mại điện tử”, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết.

Hạnh Nhung