Sáng tạo không ngừng

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:21 - Chia sẻ
“Một tác phẩm thủ công mỹ nghệ để đến được khách hàng phải hội tụ các tiêu chí: Tính thẩm mỹ, chuẩn văn hóa, chất liệu, công năng sử dụng và giá thành”. Đó là phương châm và mục tiêu nghệ nhân, nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc đặt ra ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Tiên phong sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ với quy mô lớn, Công ty TNHH Vạn Bảo Ngọc của anh đã khéo léo đưa câu chuyện nghê kết nối không gian tâm linh văn hóa Việt.

Đền vua Đinh ở Hoa Lư, Ninh Bình, là nơi Phạm Bá Ngọc lui tới nhiều lần trong hành trình tìm hiểu về nghê, thổi hồn cho linh vật này bằng những câu chuyện văn hóa, đưa nghê hiển hiện trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Với con mắt của một nhà điêu khắc, anh bị đôi nghê đá đền vua Đinh cuốn hút. Đó thực sự là kiệt tác về long nghê, càng nhìn càng thấy đẹp, càng thấy vỡ ra những ẩn ý của nghệ nhân xưa. Đôi nghê một đực một cái được tạo hình uy nghiêm mà gần gũi, linh thiêng mà thân thuộc, không quá bé nhỏ nhưng cũng chẳng to lớn kềnh càng, rất Việt Nam. Các nhà nghiên cứu xem đây là mẫu mực của tạo hình nghê chầu của người Việt.

Mong muốn nhiều người sẽ dùng linh vật nghê đặt tại các đền, chùa, công trình kiến trúc... Phạm Bá Ngọc quyết định nhân mẫu đôi long nghê đền vua Đinh. Mỗi linh vật mang một ý nghĩa biểu tượng, nhưng nghê đa dạng hơn nhiều. Nghê tượng trưng cho ánh sáng nên thường được làm giá đèn, cột trụ chân đèn; nghê tượng trưng cho trí tuệ nên được khắc trên bia tiến sĩ; nghê ngậm ngọc tượng trưng cho sự khôn ngoan… Đó là lý do nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc tiếp tục chọn nghê cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầy sáng tạo của thương hiệu Vạn Bảo Ngọc, nhất là sau khi có Công văn số 2662 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam (tháng 8.2014). Từ đôi nghê to, anh thu nhỏ lại, biến thành vật phẩm phong thủy, đồ trang trí, đưa nghê đến gần hơn với cuộc sống.


 “Khi đã chọn nghê làm sản phẩm quà tặng du lịch, chúng tôi sản xuất ở dạng kích thước nhỏ, cung cấp số lượng nhiều, sản phẩm vì thế sẽ đến được với lượng khách hàng lớn, từ đó nghê sẽ mang câu chuyện của mình đi nhiều nơi, quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt. Có thể hàng trăm năm nay, nghê không lưu lại dấu ấn gì, đơn giản vì số đông không thấy rõ đường nét, họa tiết, tính thẩm mỹ và hàm ý các câu chuyện trong đó. Chúng tôi đang cố gắng dần dần thay đổi điều này”.

Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc

Thông thường, các nước đều lựa chọn những con vật lớn, linh thiêng ở đình, đền mang ý nghĩa tài lộc… để sản xuất, sau đó họ thu nhỏ lại làm những mẫu quà tặng ghi dấu ấn ký ức về địa phương đó. “Tuy nhiên, tại Việt Nam không có những con vật như thế. Các nghệ nhân Việt sáng tạo, sản xuất ra những nguyên mẫu không có thực, chỉ lấy hồn cốt của một con vật, rồi nhân ra với hàng trăm tư thế, hình dạng khác nhau. Vì nếu nghê đền Đinh ngồi trong tư thế canh giữ cổng, nhưng để sản xuất thành sản phẩm đặt trên bàn học của một đứa trẻ, bàn làm việc của nhân viên văn phòng… thì tư thế, hình dáng của nó phải sống động, vui vẻ, mang nhiều ý nghĩa khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong cuộc sống” - Phạm Bá Ngọc chia sẻ.

Là nghệ nhân đầu tiên sản xuất nghê theo mẫu nghê đền vua Đinh làm sản phẩm quà tặng du lịch, nhiều người cho rằng Phạm Bá Ngọc quá mạo hiểm. Một phần do quan niệm của nhiều người chỉ nhìn vào những kiệt tác trong quá khứ để so sánh, rồi đưa ra tiêu chí hướng nghề thủ công đương đại phải bắt chước những mẫu mực ấy, trong khi bản chất của văn hóa là sáng tạo, là dòng chảy không ngừng. Tuy nhiên, với Phạm Bá Ngọc, đơn giản là sản phẩm phải mang những ứng dụng hữu ích trong cuộc sống hiện đại. “Với mẫu nghê kích thước nhỏ, tôi muốn đem đến nhiều câu chuyện kết nối không gian tâm linh văn hóa Việt. Từ đó, tôi muốn nói đến nhiều vấn đề, như những quy định chung về kiến trúc, thuần phong mỹ tục liên quan đến linh vật, nếu không làm sớm sẽ dẫn đến sự chồng chéo về quan niệm, thẩm mỹ văn hóa, kéo theo là những hậu quả khó lường”...

Sản phẩm của Vạn Bảo Ngọc được đánh giá là độc đáo trong ý tưởng, sản phẩm nhỏ gọn, tinh tế và có hồn. Từ hình tượng nghê đội giá văn thành hộp bút, giờ nghê còn trở thành công cụ đánh dấu trang sách, làm khánh treo trên xe ô tô như một biểu tượng thượng lộ bình an, hay những chiếc mặt nạ trang trí ngộ nghĩnh... Nghệ nhân, nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc và Vạn Bảo Ngọc cũng đang nỗ lực giới thiệu các sản phẩm gắn với linh vật thuần Việt này đến nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản… Từng bước một, nghê dần đi vào cuộc sống, đem sự vui tươi và đầy năng lượng tích cực phục vụ cuộc đời, như đã làm cả nghìn năm nay với bao thế hệ người Việt.

Hồng Hà