Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính:

Sẽ ban hành pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước

- Thứ Hai, 10/08/2020, 14:17 - Chia sẻ
Cũng trong phiên họp sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tại Kỳ họp thứ Chín, khi thảo luận về dự án Luật, có ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định nhằm thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng Trình bày dự thảo Báo cáo về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật

Trình bày dự thảo Báo cáo về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Kiểm toán Nhà nước được sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã quy định Kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Vì thế, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Kiểm toán Nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định có liên quan như mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước (điểm c khoản 1 Điều 24), thẩm quyền xử phạt của Kiểm toán Nhà nước (Điều 48a), thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt (điểm m khoản 1 Điều 87), trách nhiệm quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước (khoản 4 Điều 17)...

Tại Điều 4 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành đã giao Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, hoạt động kiểm toán Nhà nước không phải là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ nên việc căn cứ vào quy định nêu trên để giao Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước là không phù hợp. Thực tiễn triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cho thấy, cũng vì lý do tương tự mà mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính đều quy định hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được văn bản quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này. Do vậy, dự thảo Luật chỉnh lý nội dung này theo hướng bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán Nhà nước. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc bổ sung quy định về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước là khó và không khả thi. Lý do là bởi, không xác định được những hành vi như thế nào trong kiểm toán nhà nước là vi phạm hành chính để áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, một số trường hợp có khúc mắc trong hoạt động của kiểm toán nhà nước thì Kiểm toán Nhà nước có quyền kiến nghị và chuyển hồ sơ các hành vi như vậy đến các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra, cơ quan tố tụng... "Chừng mực nào đấy, một số hành vi thì chuyển sang hệ thống của Chính phủ, ví dụ, trong kiểm toán độc lập hoặc một số hành vi quy định tại Nghị định 167 thì chúng ta không thiết kế được hệ thống hành vi vi phạm", Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói. 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán Nhà nước hiện nay rất rõ. Một là, cản trở hoạt động kiểm toán Nhà nước. Hai là, không cung cấp đầy đủ thông tin cho hoạt động kiểm toán theo yêu cầu của Luật Kiểm toán Nhà nước. Ba là, không thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước khiến cho tính hiệu lực và tính nghiêm minh trong vấn đề thực hiện pháp luật bị hạn chế. 

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, quy định mức phạt trần tối đa và đề nghị Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một pháp lệnh để quy định rõ, cụ thể từng hành vi, mức phạt đối với những vi phạm trong lĩnh vực này. Riêng vấn đề cơ chế để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Pháp luật cùng các cơ quan nghiên cứu tiếp để quy định thế nào, vận dụng quy định nào của luật để áp dụng trong pháp lệnh.

Hồ Long