Chuẩn nghèo đa chiều

Sẽ bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản

- Thứ Ba, 25/08/2020, 07:20 - Chia sẻ
Kết quả thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, bên cạnh những mặt đạt được, thì vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Vì thế, quá trình xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh, nâng tiêu chí về thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu tính tại thời điểm năm 2020; bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Giấu tài sản, thu nhập... để được hộ nghèo

Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực về áp dụng đo lường nghèo đa chiều. Nhờ đó, đã hài hòa giữa đo lường nghèo bằng thước đo tiền tệ và thước đo đa chiều, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo. Đặc biệt, một số tỉnh ban hành chuẩn nghèo cá biệt có ngưỡng cao hơn chuẩn quốc gia: TP Hồ Chí Minh (2015), Bình Dương (2015), Bà Rịa - Vũng Tàu (2016), Hà Nội (2016), Đồng Nai (2018), Đà Nẵng (2018),…

Tuy nhiên, do nhận thức nghèo theo thu nhập đã gắn sâu vào nhận thức của người dân trong khi việc chuyển đổi cách tiếp cận nghèo từ đơn chiều theo hướng tiếp cận đa chiều còn mới nên trong quá trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo còn gặp không ít khó khăn. Công tác tập huấn, đào tạo cán bộ làm nghiệp vụ còn chưa sâu sát, đội ngũ thường xuyên có sự thay đổi dẫn đến ảnh hưởng đến kết quả rà soát.

Điều tra hộ nghèo đa chiều tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Ảnh: Xuân Mai

Thêm vào đó, quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo phát hiện một số bất cập, đơn cử như cấp tỉnh, cấp huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, các phường. Từ đó, một số địa phương có sự nóng vội trong thực hiện, dẫn tới kết quả thực hiện không chuẩn. Ngay các thôn trong cùng một xã cũng có sự khác biệt trong việc rà soát, đánh giá hộ nghèo. Thực tế, có xã khi thực hiện Chương trình Nông thôn mới, để đạt được tiêu chí giảm nghèo đã cho hơn 400 hộ nghèo thoát nghèo chỉ trong một năm. Điều này đã góp phần làm cho chương trình giảm nghèo thiếu bền vững.

Ông Nguyễn Tấn Nhựt - chuyên viên Văn phòng Quốc gia Giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, có hiện tượng vì nể đưa vào danh sách những hộ gia đình: có người ốm đau nặng (để được miễn giảm chi phí khám chữa bệnh), có con em đi học đại học (để được miễn giảm học phí), cần vay vốn sản xuất; không ít địa phương đưa toàn bộ đối tượng nghèo sang đối tượng nghèo đa chiều để được hưởng chính sách nhận bảo hiểm y tế. Hoặc đưa ra khỏi danh sách những hộ vẫn khó khăn nhưng đã nhận hỗ trợ, già rồi không giảm nghèo được, có thành viên bị tệ nạn xã hội… Điều này làm sai bản chất của hoạt động giảm nghèo.

Đặc biệt, có địa phương, cán bộ phường/xã hiểu sai về tiêu chí đánh giá hộ nghèo. "Nhiều người đi rà soát hộ nghèo, thấy nhà người ta có chiếc xe, hay cái tivi to thì loại ngay khỏi danh sách hộ nghèo. Nhưng thực tế, chiếc xe, hay cái tivi đó chỉ là phương tiện để cập nhật tin tức (giảm nghèo tin tức), hay để di chuyển giúp tiêu thụ nông sản (giúp giảm nghèo thu nhập)... là kênh để tiếp cận giúp thoát nghèo, chứ không phải có những thứ đó là không còn nghèo. Chính vì thế, đã có hiện tượng một bộ phận người dân giấu thu nhập, giấu tài sản" - ông Nhựt nêu thực tế.

Đề xuất nâng chuẩn hộ nghèo

Trước yêu cầu xây dựng và triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới của giai đoạn 2021 - 2025, cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới theo hướng kế thừa những điểm tích cực, thành công của quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo trước đó.

Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng với 2,5 triệu hộ với 10 triệu khẩu; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 7%, tương ứng với 1,89 triệu hộ với 7,61 triệu khẩu.

Cụ thể, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới tập trung điều chỉnh, nâng tiêu chí về thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu tính tại thời điểm năm 2020; bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình; hộ nghèo phải đáp ứng cả 2 tiêu chí thiếu hụt về thu nhập và các chiều dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều.

Góp ý vào Dự thảo Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn mới 2021 - 2025, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có cách tiếp cận khác trong việc đánh giá chuẩn nghèo. Bởi, nghèo không chỉ nhìn nhận ở cơm ăn áo mặc mà còn là sự thiếu tốn trong đời sống văn hóa, tinh thần cũng như sự hạn chế trong tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Để làm được điều này phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của của cán bộ chính quyền địa phương.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất áp dụng tiêu chí về thu nhập theo phương án, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Xuân Mai