Sẽ cấm triệt để...!

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 08:09 - Chia sẻ
Không có "ngoại lệ", năm nay, chuyện sách giáo khoa, sách tham khảo lại trở thành đề tài "nóng", đặc biệt, sách tham khảo trở nên rất "bức xúc", dù trên danh nghĩa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định rất rõ.

Cụ thể, đối với tài liệu tham khảo, các cơ sở giáo dục phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT ngày 7.7.2014 là tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.

Hiển nhiên, khi không phải là sách giáo khoa thì không bắt buộc phải mua. Vậy thì vấn đề còn lại đó là việc thông tin như thế nào. Trả lời trên báo chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học đã từng nhấn mạnh: Quy định về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã rất rõ ràng. Sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc, các trường trang bị đúng quy định. Với tài liệu tham khảo, các trường có trách nhiệm trang bị cho giáo viên để phục vụ công tác dạy học, đồng thời thông báo cho phụ huynh biết để trang bị cho học sinh, cấm ép buộc mua tài liệu tham khảo.

Bên cạnh đó, việc đưa sách tham khảo vào trường học phải trên cơ sở đề xuất của giáo viên, tổ chuyên môn. Bất cứ ai cũng không được ép buộc phụ huynh mua sách tham khảo, nhà trường chỉ thông báo, hướng dẫn cho phụ huynh mua... Nếu nhà trường cung cấp thông tin khiến phụ huynh hiểu nhầm là bắt buộc mua sách tham khảo thì nhà trường sai. Trường hợp trường thông tin không đầy đủ thì phụ huynh cũng cần chủ động hỏi lại đâu là sách giáo khoa, đâu là tài liệu tham khảo để mua, tránh tình trạng hiểu không đúng, phải mua các loại sách tham khảo không cần thiết...

Như vậy, việc không nhất thiết phải mua sách tham khảo đã quá rõ ràng, nhưng vì sao tình trạng "không nhất thiết" nhưng "vẫn phải mua" lại xảy ra tương đối phổ biến? Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực diễn ra chiều 23.9, nhiều ý kiến cho rằng đó là bởi chưa phân biệt rõ từng loại sách; có lợi ích nhóm trong việc phát hành sách bổ trợ, sách tham khảo... Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng, giám đốc sở và địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề sách tham khảo vì đây là quy định đã phân cấp. Trong hướng dẫn của Bộ không được phép ép học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo, thậm chí cả sách bổ trợ...

Chưa bàn đến hiệu quả của sách tham khảo, sách bổ trợ trong quá trình học tập của học sinh như thế nào, chỉ riêng việc "không nhất thiết" nhưng "vẫn phải mua" đã là không đúng. Như ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu việc đưa sách giáo khoa tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. Sách giáo khoa được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo không được đưa vào nhà trường, khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, Bộ sẽ có quy định không chỉ cấm việc ép phụ huynh, học sinh mua mà còn phải cấm triệt để mọi hình thức khuyến khích đưa sách tham khảo vào trường học, kể cả các hình thức gián tiếp, tự nguyện.

Quy định đã có, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào chứ không thể theo kiểu "đã cấm rồi đấy chứ"...

Linh Trang