Sẽ dừng hoạt động cơ sở ăn uống không thực hiện giãn cách

- Thứ Sáu, 21/08/2020, 09:02 - Chia sẻ
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm và xử lý quyết liệt các ổ dịch, truy vết nhanh các F1, F2, tránh lây lan rộng trên địa bàn.

Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng cao

Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh: Dịch bệnh đã xảy ra tản mát trong cộng đồng trên địa bàn thành phố, tuy nhiên chưa lây lan thành ổ dịch lớn. Tuy nhiên, Hà Nội đã có nguồn lây từ ngoài xâm nhập vào và có hiện tượng lây nhiễm thứ phát (F1 chuyển thành F0). "Hà Nội là nơi có nhiều bệnh viện lớn, thường xuyên có lượng lớn người dân từ các tỉnh thành khác về khám chữa bệnh, nên có nguy cơ dịch xâm nhập vào cao. Ngoài ra, thời gian qua đã xuất hiện ca bệnh không có triệu chứng, có lịch sử dịch tễ phức tạp, chỉ được phát hiện khi xét nghiệm PCR... Những yếu tố trên làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và có thể sẽ có thêm những ca mắc mới" - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cụ thể như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng/nước sát khuẩn; hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết (đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính), nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang; không tập trung đông người tại nơi công cộng (không quá 30 người) ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khi có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn.

Đặc biệt, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, quán cà phê/giải khát phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà máy, xí nghiệp, công trường chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh trong cơ quan đơn vị.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn lưu ý các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, đặc biệt là khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người dân cài đặt ứng dụng Bluezone. Ban Chỉ đạo cần hướng dẫn cụ thể các địa phương về công tác phòng, chống dịch sao cho phù hợp với đặc điểm của từng nơi, cần thiết có thể nâng mức độ cảnh báo dịch cao hơn một mức.

 

Hàng quán là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh, dịch bệnh ở Hà Nội đã có lây lan trong cộng đồng, nhưng khả năng bùng phát diện rộng là khó nếu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa thành phố đã đề ra. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng nhắc lại khuyến cáo, người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; người có bệnh mãn tính không ra khỏi nhà; đeo khẩu trang, không tập trung đông người… Yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra nghiêm ngặt các quán bar, karaoke, vũ trường, không để tình trạng “ngoài đóng cửa, trong vẫn hát”...

“Nhà hàng ăn uống cần phải thực hiện nghiêm giãn cách chỗ ngồi 1m, khuyến khích có vách ngăn; đo thân nhiệt cho khách, khử khuẩn; nhân viên phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ. Riêng các cơ sở nhỏ lẻ không thực hiện thì cho dừng hoạt động bởi các bài học thực tế cho thấy, đây là nơi rất dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh” - Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng nhắc nhở các cơ quan đơn vị hạn chế hội họp, bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng dịch; tiếp tục xử lý dứt điểm các ổ dịch; ngăn chặn lây lan dịch bệnh ở các cơ sở y tế... "Tôi đề nghị người dân phối hợp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch mà thành phố đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan" - ông Ngô Văn Quý yêu cầu.

L.HUỲNH