Vụ rò rỉ điện tín của Đại sứ Anh

Sẽ không còn những lời nói thật?

- Thứ Sáu, 12/07/2019, 07:54 - Chia sẻ
Bộ Ngoại giao Anh hôm 10.7 xác nhận, Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch đã từ chức sau vụ lùm xùm rò rỉ điện tín. Vụ việc không chỉ tạo thêm nốt trầm cho quan hệ Mỹ - Anh, mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả hoạt động của các đại sứ và đại sứ quán trên thế giới.

Viết trong thư từ chức, ông Darroch bày tỏ: “Kể từ khi vụ rò rỉ xảy ra, đã có rất nhiều suy đoán xung quanh chức vụ của tôi. Tôi muốn chấm dứt những suy đoán đó. Tôi tin rằng trong hoàn cảnh hiện tại, nên bổ nhiệm một đại sứ mới”. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt nói rằng, ông “vô cùng buồn bã” về quyết định từ chức của Đại sứ Darroch. Thủ tướng Anh Theresa May cũng chia sẻ “sự tiếc nuối”.

Vụ bê bối xảy ra sau khi tờ Daily Mail (Anh) ngày 6.7 tiết lộ nội dung được cho là ghi chú mật trong thư điện tử được mã hóa giữa Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch và Bộ Ngoại giao Anh từ năm 2017 tới nay. Nhà ngoại giao của xứ sở sương mù đã chỉ trích Tổng thống nước sở tại Donald Trump là người “không có kỹ năng, thiếu chắc chắn và bất tài”, cảnh báo rằng sự nghiệp của vị cựu tỷ phú “có thể kết thúc trong nhục nhã”. Đại sứ Darroch cũng cho rằng tình hình trong Nhà Trắng tương đối hỗn loạn và khó có khả năng bình thường trở lại trong thời gian tới. Một số thông tin khác như chính sách đối ngoại và kế hoạch tái tranh cử năm 2020 của ông Donald Trump cũng xuất hiện trong những ghi chú này.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Darroch

Thêm một nốt trầm

Ngay lập tức, vụ việc đã thổi bùng sự giận dữ của cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Viết trên Twitter cá nhân ngày 8.7, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố tuyệt giao với Đại sứ Anh, mô tả những nhận xét của ông Darroch là “lan truyền những sự bất an” của một “kẻ ngu ngốc”.

Mặc dù Người phát ngôn Thủ tướng Anh khẳng định: “Quan điểm của Đại sứ không phản ánh quan điểm của các Bộ trưởng và Chính phủ Anh”, nhưng lời trấn an đó chắc chắn không thể đủ để hàn gắn “vết thương” mà sự kiện này đã gây ra cho quan hệ song phương Anh - Mỹ, vốn có nhiều thăng trầm thời gian gần đây. Nỗ lực cải thiện bang giao thông qua chuyến công du Anh của Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng 6 đã sớm bị lu mờ bởi cuộc khẩu chiến giữa ông chủ Nhà Trắng với Thị trưởng London Sadiq Khan, hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm đó, và giờ đây lại đến vụ scandal này.

Việc lộ thông tin mật này diễn ra chỉ vài ngày trước khi hai ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng Anh, Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt và cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, có cuộc tranh luận trên truyền hình. Nó cho thấy sự chia rẽ tại London về chính sách đối ngoại với Washington. Bên cạnh đa số ủng hộ duy trì quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ, một bộ phận chính trị gia cho rằng Anh nên thận trọng hơn trong hợp tác với chính quyền bất định của Tổng thống Donald Trump. Đây sẽ là chủ đề nóng hổi, thậm chí định đoạt chiến thắng trong cuộc đua tới chiếc ghế Thủ tướng, bên cạnh vấn đề Brexit.

Nguy cơ đối với bảo mật thư tín ngoại giao

Song đó chưa phải là tất cả. Vụ việc này còn đặt ra những thách thức mới về bảo mật thư tín mà các nhà ngoại giao trên thế giới phải đối mặt.

Trong ngoại giao, các đại sứ cần báo cáo về nước thông tin trung thực, chính xác nhất mà không phải lo lắng đến sự dò xét đến từ quốc gia sở tại. Vì thế, những đánh giá của ông Darroch, về lý mà nói, không vi phạm bất kỳ nguyên tắc ngoại giao nào. Điều 3 mục 27 Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961 đã ghi: “Túi thư ngoại giao không được phép mở ra hoặc giữ lại (trừ khi được xử lý bởi đơn vị tiếp nhận). Tuy nhiên, trong thời đại số, các túi thư ngoại giao đã được thay thế bởi các thư điện tử được mã hóa, nhanh và tiết kiệm hơn, song lại khiến chúng có thể trở thành đối tượng cho các hacker. Và khi những điều người ta chỉ nói trong hậu trường được bê ra ngoài ánh sáng, sẽ tạo ra sự bối rối kinh hoàng và một cuộc khủng hoảng ngoại giao khó tránh khỏi.

Mỹ từng đối mặt cuộc khủng hoảng tương tự với quy mô kinh khủng hơn vào năm 2010 khi lượng lớn tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bị trang WikiLeaks tiết lộ. Vụ rò rỉ đã phơi bày công khai những gì đại sứ Mỹ ở các nước thực sự nghĩ về chính phủ nước sở tại. Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó đã điêu đứng vì giải quyết bê bối ngoại giao khắp thế giới. Bà Nancy McEldowney, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ phục vụ tại thời điểm đó cho biết đã có hai điều xảy ra sau vụ rò rỉ: Điều thứ nhất xảy ra ngay lập tức. Đó là các nước triệu đại sứ Mỹ tới để giải thích về những bức điện phi ngoại giao. Đại sứ Mỹ tại Eritrea Ronald McMullen đã gọi lãnh đạo quốc gia Đông Phi này là “nhà độc tài mất trí tàn ác và ngang ngạnh”. Một quan chức ngoại giao Mỹ cấp cao ở Italy mô tả Thủ tướng Italy khi đó Silvio Berlusconi là “vô trách nhiệm, kiêu ngạo, vô tích sự”, gây ra bê bối chính trị ở Rome và khiến Washington đau đầu. Còn Đại sứ Mỹ tại Ecuador Heather Hodges đã bị trục xuất năm 2011 sau khi bức điện tín bà chỉ trích chính phủ chủ nhà tham nhũng bị rò rỉ. Bà McEldowney nói: “Điều đó thật đau đớn và xấu hổ, nhưng chúng tôi đã phải trải qua”.

Hệ quả thứ hai, nguy hại hơn nhiều, đó là tình trạng “tự kiểm duyệt”. Một số nhà ngoại giao sợ sẽ xảy ra nhiều vụ rò rỉ nữa nên đã bắt đầu không nói thật về chính phủ hoặc lãnh đạo nước sở tại khi gửi thông tin về nhà, khiến Mỹ không biết điều gì thực sự đang xảy ra ở nước ngoài. Bà McEldowney giải thích: “Nếu các đại sứ ngừng viết sự thật, nghĩa là bộ bộ máy ngoại giao tê liệt”. Các đại sứ Mỹ cũng bắt đầu mất ảnh hưởng và quyền lực ở những nước họ đang công tác, hạn chế hiệu quả công việc. Số phận tương tự có thể xảy ra với rất nhiều vị trí khác trên thế giới khi họ nhìn vào gương của các đại sứ Mỹ hay mới nhất là trường hợp ông Darroch. Điều đó sẽ đặt ra thách thức lớn đối với việc tăng tính bảo mật trong hoạt động ngoại giao. Không chỉ với Anh hay Mỹ mà sẽ là tất cả các quốc gia.

Đạt Quốc