Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Sẽ kiểm toán toàn bộ giá trị dự án PPP khi chuyển giao cho Nhà nước

- Thứ Năm, 28/05/2020, 12:46 - Chia sẻ
Thảo luận về dự án Luật PPP, một số ĐBQH đề nghị kiểm toán toàn bộ đối với dự án PPP. Tuy nhiên, trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 28.5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Mặt khác, theo khuyến nghị của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, Kiểm toán Nhà nước chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công.

 Tiếp tục chương trình làm việc sáng nay, 28.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật PPP.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP tại Điều 87 dự thảo Luật, một số ý kiến cho rằng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP, không kiểm toán vốn đầu tư tư nhân trong dự án. Một số ý kiến khác cho rằng, dự án PPP bản chất là đầu tư công nên phải kiểm toán toàn bộ, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân. Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ thời điểm nào, giai đoạn nào thực hiện kiểm toán dự án PPP, tránh gây khó khăn trong hoạt động của dự án; đề nghị nghiên cứu việc kiểm toán khi dự án đã tiến hành vận hành, khai thác ổn định từ 2 - 3 năm trên cơ sở xem xét các chỉ số chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh để đánh giá tính kinh tế và hiệu quả kinh tế của dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định KTNN chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định KTNN kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển. Ngoài ra, theo khuyến nghị của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, KTNN chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước như sau: một là, Kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công. Nội dung kiểm toán này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đã được quy định căn cứ khuyến nghị tại chuẩn mực kiểm toán số ISSAI 5220 của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế mà KTNN Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật đã lược bỏ quy định về thời điểm yêu cầu đối với nội dung kiểm toán này. Hai là, kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại Điều 74 của Luật này; hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 Điều 72 của Luật này; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này. Ba là, kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công sau thời gian vận hành, khai thác tối thiểu 3 năm. Bốn là, khi chuyển giao cho Nhà nước thì thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Đã bảo đảm chống thất thoát tài sản nhà nước

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu quan điểm, dự án PPP là đầu tư công vì dự án này do Nhà nước chủ trì, mời gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia và dự án được lập ra dựa trên chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và yêu cầu phát triển đất nước. Nó chỉ khác là do Nhà nước chưa đủ tiền để làm ngay nên cần có sự hợp tác với tư nhân. PPP là dự án đầu tư công vì dự án này phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trong hợp tác công - tư thì phần tư Nhà nước phải trả tiền cho nhà đầu tư bằng giá trị công trình như hợp đồng BT hay bằng quyền thu phí để hoàn vốn trong hợp đồng BOT. Vì vậy, bản chất của hợp tác công - tư là đầu tư công và đã là đầu tư công thì phải tuân thủ việc thực hiện kiểm toán theo đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Ảnh: Quang Khánh

Vậy KTNN sẽ kiểm toán những gì? ĐB Bùi Văn Phương lưu ý, 3 vấn đề cần tính toán để kiểm toán liên quan đến dự án PPP. Thứ nhất là kiểm toán tính tuân thủ. Đó là xem dự án có tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng quy định hợp đồng và các quy chế  của dự án không. Đây là yêu cầu số một và phải làm ngay từ đầu. Thực tiễn cho thấy, nếu kiểm toán để đảm bảo tuân thủ đúng quy định thì thời gian qua sẽ không có tình trạng các dự án BOT đặt sai vị trí, làm đường một nơi, đặt trạm thu phí một nơi. Thứ hai là kiểm toán giá trị công trình để tính được hiệu quả kinh tế của dự án. Việc kiểm toán này phải thực hiện ngay sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án, vì nó liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước phải trả cho nhà đầu tư. Nếu không kiểm toán giá trị kinh tế công trình dự án ngay sau khi kết thúc phần đầu tư thì không có căn cứ để trả nợ cho nhà đầu tư bằng các tài sản công khác. Đây là vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng. Thứ ba là KTNN kiểm toán về tính hiệu lực, hiệu quả, kinh tế của dự án để bảo đảm công khai, minh bạch. Nếu chúng ta tuân thủ kiểm toán đúng thì sẽ phát huy tác dụng tốt. Việc ngại KTNN vào kiểm toán là những điều không bình thường. Bởi vì khi Nhà nước kêu gọi đầu tư dự án PPP thì luôn bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân, không bao giờ để nhà đầu tư chịu thiệt. 

ĐB Bùi Văn Phương cũng nhắc lại chúng ta đã có những bài học đau xót về những sai phạm trong đầu tư PPP thời gian qua. Nếu tuân thủ một cách chặt chẽ, nghiêm túc chế độ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì sẽ không dẫn đến hậu quả như vậy. Khi thực hiện kiểm toán một cách chặt chẽ, công khai minh bạch, đảm bảo đúng quy định thì việc chia sẻ với nhà đầu tư tăng lên hoặc giảm đi sẽ không khiến người dân thắc mắc. Còn nếu không đảm bảo công khai, minh bạch sẽ khiến người dân nghi ngờ và thực tế những nghi ngờ của người dân là đúng và đã có cán bộ phải xử lý.

Có cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho biết, bản chất của dự án đầu tư PPP là hợp đồng đầu tư của Nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư, huy động nguồn lực của tư nhân để đầu tư công trình công. Nhà nước thực hiện đầu tư qua hợp đồng PPP không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư mà cho phép nhà đầu tư được thu phí với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Do đó, nếu không kiểm toán phương án đầu tư, phương án tài chính và không kiểm toán toàn diện dự án PPP thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí, không thể xác định chính xác giá đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định kiểm toán toàn diện đối với dự án PPP.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn, chúng ta thống nhất cần có KTNN nhưng kiểm toán những gì, nội dung nào và thời điểm nào? Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước và 4 nội dung như đã nêu trong dự thảo Luật, tập trung vào 3 vấn đề là tính tuân thủ của lựa chọn nhà đầu tư, chất lượng dịch vụ và giá trị khi chuyển giao cho nhà nước. Còn lại, tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập để bảo đảm bình đẳng giữa hai bên, một bên nhà nước kiểm toán phần nhà nước, tư nhân có thể kiểm toán độc lập phần còn lại. Các quy định này đã bảo đảm chống thất thoát tài sản nhà nước.

Hoàng Ngọc