An toàn lao động tại các mỏ đá

Siết chặt quy trình sử dụng vật liệu nổ

- Thứ Tư, 26/08/2020, 08:37 - Chia sẻ
Việc bảo đảm an toàn lao động trong khai thác đá hết sức khó khăn, bởi một bộ phận người lao động, chủ sử dụng lao động thực hiện chưa nghiêm túc công tác an toàn lao động, đặc biệt việc khai thác đá cẩu thả, quy trình khai thác không chặt chẽ. Thậm chí, một số đối tượng chạy theo lợi nhuận, rút bớt quy trình đã đặt tính mạng của người lao động và khu vực dân cư xung quanh rơi vào tình trạng báo động.

Làm theo kinh nghiệm, bỏ qua quy chuẩn

Trên thực tế, việc sử dụng vật liệu nổ hiện nay trên các mỏ đá cơ bản đều tuân thủ theo các giấy phép được cấp. Tuy nhiên, nhiều mỏ đá nhỏ đang thiết kế, thi công và nổ mìn không đúng theo giấy phép, không lập hộ chiếu khoan nổ mìn đúng theo quy định, thường thiếu đánh giá mức độ an toàn, nên thiếu các biện pháp an toàn phù hợp cho từng bãi nổ.

Là đất nước giàu tài nguyên khoáng sản nên hoạt động khai thác và chế biến đá đã tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động khắp các tỉnh thành cả nước. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn lao động trong khai thác đá còn hết sức khó khăn, bởi một bộ phận người lao động, chủ sử dụng lao động thực hiện chưa nghiêm túc công tác an toàn lao động, đặc biệt việc khai thác đá cẩu thả, quy trình khai thác không chặt chẽ. Thậm chí, một số đối tượng chạy theo lợi nhuận rút bớt quy trình đã đặt tính mạng của người lao động và khu vực dân cư xung quanh rơi vào tình trạng báo động.

Điển hình như ngày 1.6.2020, tại khu vực khai thác mỏ đá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh (thuộc xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người chết, 1 người mất tích. Thông tin ban đầu, trong quá trình rải dây để đấu nối mạng nổ mìn phá đá tại công trường, mưa dông kèm theo sét đánh khiến mìn phát nổ bất ngờ, khối lượng lớn đá sạt xuống chôn vùi ba người.

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, tai nạn trong khai thác đá chiếm gần 20% tổng số vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó các sự cố, tai nạn do khâu nổ mìn trên mỏ gây những thiệt hại lớn về người và tâm lý hoang mang cho cả cộng đồng, xã hội. Trong khi đó, trên thực tế, năng lực sử dụng vật liệu nổ của các mỏ đá nhỏ trong khai thác đá còn yếu, thiếu chuyên môn, tính chuyên nghiệp thấp nên không có khả năng đánh giá, quản lý các rủi ro trong quá trình thi công, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên công trường.

Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Anh Thơ cho rằng, hiện nay trên các mỏ khai thác đá vật liệu xây dựng chưa thực sự quan tâm áp dụng những biện pháp giảm thiểu khi thi công nổ mìn, chỉ chú ý đến chất lượng nổ mìn thông qua tỷ lệ quá cỡ của đá. Đáng chú ý, việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp QCVN 02:2008/BCT chưa thực sự triệt để, đa phần làm theo kinh nghiệm, không xét đến điều kiện cụ thể của bãi nổ. 

Khai thác đá - tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn  

Nguồn: ITN 

Mạnh tay trong xử lý vi phạm

Chia sẻ về giải pháp để bảo đảm an toàn lao động trong khai thác đá, nhiều chuyên gia cho rằng, các quy định của pháp luật tương đối là rõ, song quá trình thực thi, nhất là thực thi ở địa phương còn chưa nghiêm. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều chỉ đạo chấn chỉnh về mặt an toàn lao động nhưng để giải quyết cần sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, việc bảo quản vật liệu nổ công nghiệp phải là các đơn vị chuyên nghiệp, với đội ngũ chuyên nghiệp. Quá trình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cũng phải có đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, đúng quy định và nghiêm ngặt các trang thiết bị an toàn.

Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng nêu thực tế, vì sự buông lỏng quản lý ở địa phương nên hầu hết các mỏ đá tiến hành khai thác và sử dụng nổ mìn vật liệu không đúng quy trình. Vì vậy cần phải tăng cường thanh tra, mạnh tay xử lý rút giấy phép với những doanh nghiệp, đơn vị không tuân thủ nghiêm quy định pháp luật”.

Đồng tình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, sử dụng vật liệu nổ cần phải được siết chặt, không nên để các cơ quan lẻ nhỏ, các hộ gia đình cũng được tiến hành nổ mìn để khai thác khoáng sản. Bởi, không có chuyên môn, năng lực thì việc sử dụng các thao tác không đúng quy trình, quy phạm sẽ dẫn đến tai nạn lao động. Ông Bùi Sỹ Lợi khuyến nghị, để bảo đảm an toàn lao động trong khai thác mỏ đá tiến tới hạn chế những vụ tai nạn lao động đáng tiếc cần phải thực thi nghiêm quy định về sử dụng các vật liệu nổ công nghiệp an toàn. Trong đó, các quy chuẩn về chọn đơn vị thực hiện vật liệu nổ chuyên nghiệp, đủ năng lực cần phải được xem là quy định bắt buộc và thực hiện nghiêm. Có như vậy mới hạn chế được những vụ việc đáng tiếc ở các mỏ đá hiện nay.

Thái Yến