Siết chặt trách nhiệm người đứng đầu

- Thứ Tư, 14/11/2018, 08:49 - Chia sẻ
Thực tế cho thấy, ở một số ngành, địa phương còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để “bôi trơn” khi đi làm các thủ tục hành chính. Do vậy, nhiều ĐBQH đề nghị phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Đặc biệt cần quán triệt tinh thần của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII: Nếu có lỗi, không còn uy tín, không đủ điều kiện, năng lực thì nên chủ động từ chức.

ĐBQH TRẦN HỒNG HÀ (Vĩnh Phúc): “Tham nhũng vặt” vẫn tồn tại

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. “Tham nhũng vặt” vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức.

Việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ nội dung này. Đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng nêu trên.

ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ (Hà Nội): Coi trọng hơn các hoạt động phòng ngừa

Trong báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nãm 2018 do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày, cho thấy tình hình tội phạm cơ bản được kiềm chế nhưng còn diễn biến phức tạp, tội phạm ở mọi lĩnh vực, phương thức, thủ đoạn mới có sử dụng công nghệ cao và xuyên quốc gia. Bộ Công an đã tiến hành nhiều công việc một cách tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa nghiệp vụ, công tác chống tội phạm rất quyết liệt. Cử tri rất mong các cơ quan chức năng tập trung làm tốt hơn, coi trọng hơn các hoạt động phòng ngừa, vì phòng bao giờ cũng quan trọng và hiệu quả hơn chống.

Trong 7 nguyên nhân của những tồn tại trên, Bộ trưởng Tô Lâm đã chỉ ra có một nhóm nguyên nhân là trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, cá biệt còn có trường hợp vi phạm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Đây là đánh giá rất xác đáng. Ví dụ như vụ Vũ Nhôm, vụ Út Trọc, rất nhiều tướng có liên quan, vụ tướng công an có liên quan đến đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng trên mạng mà Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đang xử. Bộ trưởng đã thấy, đã chỉ ra rồi, nhân dân rất mong những biến chuyển tích cực trong thời gian tới.

Về báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao do Viện trưởng Lê Minh Trí trình bày cũng cho thấy vi phạm, tội phạm tranh chấp, khiếu kiện hành chính diễn biến phức tạp, hầu hết tăng nhưng riêng tham nhũng tăng 32,23%, tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra, tại sao Ðảng, Chính phủ quyết liệt, lò đã nóng rực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm hết sức, công an rất tích cực, tòa án mở liên tục như vậy mà vẫn cứ phức tạp, nghiêm trọng? Có lẽ, bên cạnh việc quyết liệt hơn, nghiêm khắc hơn, phải phát huy tính gương mẫu, tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi một cán bộ, đảng viên, nên thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Hội nghị vừa qua, đó là chủ động từ chức. Tôi thấy đây là quy định rất hợp thời và nhân văn. Tôi xin đề nghị QH sớm cho xây dựng Luật Từ chức để luật hóa quy định của Ðảng.

ĐBQH VÕ THỊ NHƯ HOA (Ðà Nẵng): Cần có cơ chế ngăn chặn việc tẩu tán tài sản tham nhũng

Báo cáo của Chính phủ nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, đó là do đối tượng phạm tội tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, có ảnh hưởng và có quan hệ rộng, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản. Các vụ án thường xảy ra khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản tinh vi, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến việc điều tra thu thập gặp nhiều khó khăn. Quy định pháp luật về tài sản hoặc tiền bị tịch thu từ tội phạm còn bất cập, gây khó khăn cho việc phát hiện, thu hồi... Nhưng tôi cho rằng có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là do chúng ta chưa có cơ chế để ngăn chặn dẫn đến đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản trước khi cơ quan chức năng chính thức vào cuộc.

Tôi kiến nghị, cần sớm sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng quy định các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài sản và các biện pháp ngăn chặn. Theo đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng, cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời, ngăn chặn, kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài sản để kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Một khi chúng ta có cơ chế này thì việc tẩu tán tài sản tham nhũng sẽ được hạn chế rất nhiều và khi đó việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ dễ dàng hơn.

Anh Phương lược ghi; Ảnh: Q. Khánh, L. Hiển