Chính sách, pháp luật về đầu tư nước ngoài ở một số nước

Singapore<br>Thu hút dòng vốn có chất lượng

- Chủ Nhật, 03/11/2019, 08:28 - Chia sẻ
Xây dựng kết cấu hạ tầng chất lượng cao, môi trường đầu tư ổn định, nền chính trị ổn định và đội ngũ lao động cần cù, có kỷ luật được xem là những “chìa khóa” giúp Singapore thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài có chất lượng.

Không phân biệt đối xử với đầu tư nước ngoài

Mặc dù không có luật riêng về đầu tư nhưng Singapore là một trong số những quốc gia thành công nhất trong khu vực ASEAN về thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng. Thay vì ban hành một luật riêng, hoạt động đầu tư ở Singapore được điều chỉnh bởi các luật chung, chẳng hạn như luật chung về hợp đồng, luật công ty và các luật cụ thể theo ngành. Nhìn chung, không có sự phân biệt đối xử giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định bởi luật cụ thể.

Singapore hạn chế đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực như viễn thông, truyền thông, ngân hàng và quyền sở hữu đất đai. Những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài được quy định trong luật ngành có liên quan. Ví dụ, Luật Báo chí và in ấn hạn chế kiểm soát nước ngoài đối với các công ty báo chí. Trong thực tế, những hạn chế về đầu tư nước ngoài được thực hiện bởi các cơ quan quản lý có liên quan. Chẳng hạn, Cơ quan Tiền tệ Singapore quy định đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng thông qua hệ thống cấp phép, được thiết lập theo Mục 7 của Luật Ngân hàng.

Singapore cũng đưa ra một loạt sáng kiến khuyến khích đầu tư đối với tất cả các nhà đầu tư, không chỉ riêng đầu tư nước ngoài. Ví dụ, Chương 10 của Luật Khuyến khích mở rộng kinh tế cho phép khấu trừ thuế đối với chi tiêu vốn trong dự án được phê duyệt. Ưu đãi này, bao gồm việc chỉ định các khoản đầu tư như các dự án được phê duyệt, do Hội đồng Phát triển kinh tế (EDB) quản lý và dành cho các công ty trong và ngoài nước.


Nguồn: ITN

Kết hợp chính sách tài chính và chính sách lao động

Vào những năm 1960, Singapore lần đầu tiên đưa ra các chính sách ưu đãi thuế như ưu đãi cho những công ty tiên phong, ưu đãi và hoạt động hỗ trợ đầu tư và ưu đãi khi đặt trụ sở tại Singapore, nhằm thu hút FDI thông qua Luật Khuyến khích mở rộng kinh tế. Năm 2010, đạo luật này được chỉnh sửa nhằm tạo điều kiện cho các dịch vụ kỹ thuật và chuyên nghiệp khác nhau nhằm khuyến khích những ngành bị hạn chế trước đây như ngân hàng, báo chí - in ấn, điện tử viễn thông.

Cuối những năm 1970 - 1980, để có thể cạnh tranh với những quốc gia lân cận có chi phí thấp, Singapore nhận thấy cần phải dịch chuyển lên các hoạt động sản xuất giá trị cao và nâng cấp kỹ năng của lực lượng lao động. Sự tập trung tiếp tục dịch chuyển vào cuối những năm 1980 và 1990 nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất giá trị cao. Từ năm 2000 - 2010, Singapore tập trung thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và tri thức. Một trong những lĩnh vực quan tâm gần đây là dược phẩm và công nghệ y sinh.

Trải qua các giai đoạn phát triển, Singapore đã xây dựng một kết cấu hạ tầng chất lượng cao, môi trường đầu tư ổn định, nền chính trị ổn định và đội ngũ lao động cần cù, có kỷ luật. Singapore đã thu hút được nhiều công ty nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Singapore. Theo báo cáo toàn cầu năm 2012, Singapore nằm trong top 3 về đầu tư và ngoại thương, địa điểm thuận lợi nhất thế giới cho hoạt động kinh doanh, đứng thứ hai thế giới và thứ nhất châu Á về quyền sở hữu trí tuệ tốt nhất.

Để giải quyết việc thiếu lao động có kỹ thuật, các công ty được khuyến khích tuyển dụng lao động nước ngoài. Gần đây, EDB đã bắt đầu thu hút các trường đại học nước ngoài. Chương trình “khu vực hóa” của EDB khuyến khích các công ty xây dựng các cơ sở có hàm lượng kỹ năng cao tại Singapore và chuyển ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và đất đai ra nước ngoài. Việc đánh 4% thuế đối với chủ sử dụng lao động trả lương cho công nhân thấp hơn mức quy định là cách làm có hiệu quả nhằm buộc các công ty tăng cường nâng cao kỹ năng cho công nhân. Sau các cuộc khủng hoảng năm 1985, tuy mức thuế này được giảm xuống 1%, nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng cho lao động.

Gần đây hơn, EDB đã áp dụng cách tiếp cận theo cụm, tập trung vào những công ty thuộc các ngành điện tử - bán dẫn, hóa dầu và công nghiệp chế biến. Cách tiếp cận theo cụm là một công cụ của chính sách công nghiệp nhằm thu hút FDI, đồng thời, tăng cường các mối liên kết và các tác động lan tỏa; phát hiện các khoảng cách và tiềm năng, giúp Chính phủ có chính sách đối phó với những nguyên nhân cơ bản gây ra sự thất bại của thị trường và có thể hỗ trợ các dịch vụ hoặc chuẩn bị kết cấu hạ tầng cho mục đích sử dụng chung.

Nhật An