“Sinh con gái - hái niềm vui”

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 18:01 - Chia sẻ
Nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, cuộc thi xây dựng clip ngắn với chủ đề “Sinh con gái - Hái niềm vui” vừa được phát động. Cuộc thi do Chính phủ Na Uy và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tài trợ và được Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) phối hợp mạng xã hội TikTok thực hiện.

Theo các chuyên gia CSAGA, lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới vẫn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do nhiều trẻ em gái không có cơ hội chào đời. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ giới tính khi sinh tại Việt Nam năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái được sinh ra, so với tỷ lệ tự nhiên 105 - 106 bé trai/100 bé gái. Báo cáo thực trạng dân số thế giới năm 2020, ước tính tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời vì giới tính của mình. Các chuyên gia cũng dẫn ra nhiều bằng chứng cho thấy, tình trạng này xảy ra là do tâm lý ưa thích con trai, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người dân Việt Nam.

Ảnh minh họa. Ảnh: Duy Thông

Theo ban tổ chức, cuộc thi được tổ chức nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt thanh niên về vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và khuyến khích khả năng sáng tạo của giới trẻ đối với các vấn đề xã hội. Cuộc thi được tổ chức trên nền tảng ứng dụng TikTok từ ngày 10 - 23.8 với tổng giải thưởng 34 triệu đồng. Bất kỳ ai có tài khoản TikTok đều có thể tham gia cuộc thi bằng cách quay clip ngắn và gắn hashtag #SinhcongaiHainiemvui. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố vào ngày 27.8.

Nội dung các clip yêu cầu truyền tải thông điệp tích cực về vai trò của người phụ nữ và bé gái trong cuộc sống, phản đối định kiến giới và phân biệt đối xử giữa nam và nữ, thúc đẩy các thực hành tốt về việc tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái, phê phán và tác động đến việc thay đổi quan niệm ưa thích con trai hạ thấp giá trị con gái.

Ảnh Duy Thông