Sinh kế cho người nghèo

- Chủ Nhật, 30/08/2020, 06:45 - Chia sẻ
Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, báo cáo tại Phiên họp sáng 28.8 của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chính phủ cho biết dự kiến sẽ đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành 2 nghị quyết về công tác giảm nghèo trong thời gian tới. Một là, Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Hai là, Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững giai đoạn 2021 - 2030.

Có cơ sở để đề xuất như vậy nếu nhìn lại những kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong 4 năm, từ 2016 đến cuối 2019, cả nước đã có 1.353.805 hộ trên tổng số 2.338.569 hộ nghèo (thống kê cuối năm 2015) đã thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, đẩy nhiều người dân vào tình trạng thất nghiệp, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói nhưng theo lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ước thực hiện đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ giảm còn khoảng 2,75%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giai đoạn 2016 - 2020 giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. 

Ngay cả những vùng "lõi nghèo" cũng ghi nhận những chuyển biến hết sức tích cực. Như với các huyện nghèo, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 27,85%, trong giai đoạn 2016 - 2019, bình quân mỗi năm giảm được 5,65%, vượt 1,65% so với chỉ tiêu bình quân được Quốc hội giao. Đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 24% và sẽ có khoảng hơn 30 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt mục tiêu đề ra. Với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thì đến nay cũng đã có 95/292 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, vượt 2,5% so với mục tiêu đề ra. Còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy công tác giảm nghèo gian nan hơn rất nhiều nhưng cũng vẫn đạt được mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm.

Dù vậy, ngay trong báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng cho thấy những thách thức gay gắt không dễ giải quyết trong công tác giảm nghèo. Trong đó, dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đạt và vượt mục tiêu đề ra nhưng nhiều nơi, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức trên 20%, một số tỉnh miền núi còn lên đến hơn 30%, các xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn hơn 50%, tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số vẫn chiếm gần 60% trong tổng số hộ nghèo cả nước. Một thách thức khác là tính bền vững của kết quả giảm nghèo khi tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo vẫn ở mức cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Bình quân mỗi năm trong số những hộ thoát nghèo vẫn có khoảng 4% số hộ tái nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cũng tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016 - 2019 là khoảng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo.

Kết quả giảm nghèo chỉ có thể bền vững khi sinh kế của người dân được ổn định và bền vững. Rất nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người nghèo đã được thực hiện trong thời gian qua nhưng rõ ràng, hiệu của các chính sách này cũng chưa thật sự bền vững. Số liệu thống kê cho thấy, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo thành công mới chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, khiêm tốn hơn rất nhiều so với mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Với việc tập trung nguồn lực ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua, diện mạo của các địa bàn này đã thay đổi đáng kể. Nhưng có vẻ như, người nghèo ở một số nơi vẫn chưa được hưởng lợi gì nhiều từ sự thay đổi này. Đường sá thuận lợi hơn, giao thông dễ dàng hơn nhưng họ vẫn nghèo, thậm chí vẫn đói bởi họ vẫn thiếu những tư liệu sản xuất cơ bản nhất. Số liệu được Ủy ban Dân tộc báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám cho thấy, cả nước vẫn có tới gần 83 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị thiếu đất sản xuất, với diện tích cần lên tới hơn 29,5 nghìn hecta. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, việc phát triển công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp cho các huyện nghèo chưa được chú trọng, chưa kết nối sản xuất với thị trường; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm.

Những lát cắt như vậy để thấy rằng, chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu giảm nghèo đã đạt được trong thời gian vừa qua nhưng chặng đường phía trước vẫn gian nan vô cùng. Vì thế, xác định trọng tâm chính sách giảm nghèo cho giai đoạn tới có lẽ trước hết phải tập trung vào câu chuyện sinh kế cho người nghèo. Trong đó, song song với việc tập trung nguồn lực đầu tư kết nối vùng lõi nghèo, địa bàn nghèo cần bảo đảm các điều kiện, cơ hội để người nghèo tiếp cận được với các tư liệu sản xuất cơ bản, các nguồn lực kinh tế về đất đai, vốn, khoa học, kỹ thuật và tiếp cận thị trường...

Hải Lam