Sân khấu múa

Sôi động nhờ sức trẻ

- Thứ Bảy, 20/07/2019, 08:22 - Chia sẻ
Gần đây, nghệ thuật múa ngày càng phát triển, nghệ sĩ có thể thỏa sức sáng tạo, ngôn ngữ múa đương đại, hiện đại hay cổ điển, kết hợp các kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ... Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, sân khấu múa sôi động một phần quan trọng là nhờ có đội ngũ biên đạo trẻ đầy triển vọng.

Lấp lánh tiềm năng

Tối 16.7, tại Hà Nội, cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc 2019, do Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức, đã kết thúc với lễ bế mạc và trao giải. Đây là dịp để bao quát lực lượng và sức sáng tạo của các biên đạo trẻ Việt Nam.

Cuộc thi gồm 2 vòng thi, quy tụ 38 tác phẩm của 26 biên đạo tới từ 9 đơn vị nghệ thuật công lập, 4 trường nghệ thuật chuyên ngành và 1 đơn vị ngoài công lập. NSND Lê Ngọc Cường, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận xét: Các tác phẩm đã phản ánh sinh động nhiều mặt vấn đề của đời sống xã hội, từ quan hệ giữa con người với con người, đến tình yêu quê hương đất nước, lao động sản xuất và chiến đấu, phong tục tập quán, sắc màu văn hóa vùng miền... Tất cả đều được thể hiện sinh động, sáng tạo, trong đó có những đề tài, nội dung nghe qua tưởng chừng rất khó thể hiện bằng ngôn ngữ múa, nhưng các biên đạo đã tìm cho mình một cách nói riêng thông qua các thủ pháp ước lệ, cách điệu, trừu tượng, mà dễ hiểu, dễ xem...

Qua cuộc thi, cơ quan quản lý nhà nước, người trong nghề cũng phần nào đánh giá được lực lượng và sức sáng tạo của các biên đạo trẻ hiện nay. NSƯT Trần Ly Ly - thành viên Hội đồng Giám khảo chia sẻ: Nghệ thuật 10 - 20 năm đôi khi vẫn lặp đi lặp lại gương mặt đó, vì nghệ sĩ không phải có thể đào tạo hàng ngày, mà hội tụ nhiều yếu tố. Biên đạo múa còn là đạo diễn, người sáng tạo tổng hợp, có những suy nghĩ về cuộc đời hơn người khác, đưa ra thông điệp qua tác phẩm, dùng ngôn ngữ múa để thể hiện. “Chính vì vậy, trong đêm chung khảo đầu tiên, tôi khá lo lắng liệu có lớp biên đạo “vàng” nữa không? Nhưng ngày hôm sau tôi thở phào nhẹ nhõm bởi đã tìm ra một vài nhân tố nổi trội, lấp lánh đủ để nhìn thấy tiềm năng. Qua cuộc thi, có thể thấy, dàn diễn viên khá đồng đều, vì đều được đào tạo qua trường lớp, có thể đáp ứng được khá nhiều hình thức, chỉ có tư duy biên đạo khác nhau. Một số biên đạo trẻ có sự tìm tòi ngạc nhiên, đủ già dặn để thể hiện tác phẩm gây cảm động, đó là điều quý giá”.


Tác phẩm “Những mối quan hệ” của Nguyễn Vũ Khánh, giải Ba cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc 2019
Nguồn: ITN

Sáng tạo để phát triển

 “Các biên đạo đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, hạn chế để tìm cho mình hướng đi, phương thức tiếp cận mới trong khai thác đề tài, bố cục kết cấu, tiếp thu và vận dụng hiệu quả ngôn ngữ múa hiện đại, múa dân tộc để có tác phẩm mang hơi thở mới, phù hợp với xu thế phát triển và thị hiếu của giới trẻ hiện nay”.

NSND Lê Ngọc Cường

Cuộc thi hội tụ các biên đạo múa khắp cả nước, nên có thể đưa ra cái nhìn so sánh về nghệ thuật múa ở các vùng miền. Theo NSND Lê Ngọc Cường, các biên đạo khu vực phía Bắc có chút nhỉnh hơn, sự đam mê nghề, lao động nghệ thuật khác hơn. Trong khi đó, ở phía Nam phong trào phát triển, hoạt động ở các vũ đoàn nhiều, đất diễn có, nhưng nghệ sĩ lại không có thời gian đầu tư chuyên sâu dàn dựng nhiều tác phẩm giá trị nghệ thuật cao. Thường trong suy nghĩ của nhiều người trong nghề, nhiều vùng miền không có điều kiện như Trung ương, nhưng qua cuộc thi thấy có sự bứt phá đáng kể ở một số tỉnh, thành mà các biên đạo ở miền Nam và cả các đơn vị nghệ thuật trung ương cần học hỏi. Đáng chú ý là biên đạo Hoàng Thị Nguyệt của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La, hay Phạm Đắc Hải của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (Thanh Hóa) đã có các tác phẩm chạm được độ sâu của văn hóa dân tộc, có ý tứ, đề tài, nội dung, chuyển hóa thủ pháp biên đạo để hình thành tác phẩm rất sáng tạo...

Trước kia, múa là loại hình nghệ thuật khá kén khán giả, nhưng đến nay, múa đã đi vào nhiều hoạt động của đời sống, trở thành “xương sống”, tiết mục chủ chốt trong các kỳ lễ hội, kỷ niệm, sự kiện lớn. Do nhu cầu của đời sống, đặc điểm của loại hình, tự thân múa đã phát triển, với các tổ chức, đơn vị chuyên nghiệp đến các vũ đoàn, các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề múa tự do...

Tuy vậy, NSND Lê Ngọc Cường cho rằng, một nền nghệ thuật được thể hiện qua những vở diễn lớn, có giá trị, nhưng ở Việt Nam hiện nay, sân khấu múa chủ yếu là tác phẩm nhỏ. Điều này dễ hiểu bởi đầu tư cho vở kịch múa khá tốn kém, lực lượng diễn viên ở các đoàn thì hạn chế, nếu muốn dựng vở phải phối hợp các đoàn, công phu, song hiệu quả sử dụng lại ít, không mấy khi được biểu diễn do không có khán giả. Trong khi đó, các chương trình múa ngắn thì “sát sườn”, phục vụ các chương trình ca múa nhạc, khách du lịch. Thậm chí, ngay cả những vở múa ngắn, bởi sự tự do trong sáng tạo và độ phủ rộng khắp của nghệ thuật múa mà một năm có hàng trăm tác phẩm múa mới được các biên đạo trong cả nước dàn dựng, nên việc sao chép, lặp lại, đi vào lối mòn, không sáng tạo, không mang đến cảm xúc mới lạ... là hiện trạng của đa số tác phẩm hiện nay.  

Để nghệ thuật múa phát triển, bên cạnh ý thức sáng tạo không ngừng của nghệ sĩ, cần có sự đầu tư, chính sách đào tạo, sử dụng của Nhà nước. Bên cạnh đó, những cuộc thi về biên đạo múa cũng khuyến khích các biên đạo múa đầu tư cho chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Nghệ sĩ Nguyễn Vũ Khánh, Đoàn múa UNISON Hà Nội, đơn vị nghệ thuật ngoài công lập duy nhất tham gia cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc 2019 cho rằng, thông qua cuộc thi, nhiều người đã biết đến múa nói chung và múa đương đại nói riêng. Cuộc thi đã góp phần hỗ trợ phát triển của nền múa Việt Nam hiện đại.

Thảo Nguyên