TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU TRẦN VĂN TÚY

Soi lại mình trong sự tín nhiệm của nhân dân

- Thứ Tư, 14/02/2018, 11:13 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất) - Năm 2018, Quốc hội, HĐND sẽ tiến hành một công việc hệ trọng, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Sự công tâm trong mỗi lá phiếu không chỉ là trách nhiệm của ĐBQH, đại biểu HĐND với cử tri, với đất nước mà còn với chính người được lấy phiếu. Như Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương TRẦN VĂN TÚY, chia sẻ, đây sẽ là dịp để cả ĐBQH, đại biểu HĐND và những người được lấy phiếu “soi” lại chính mình trong sự tín nhiệm của nhân dân.

Gỡ vướng cho cơ quan dân cử địa phương

- QH, các cơ quan của QH đã đi qua một năm nhiều thành công, được cử tri ghi nhận và đánh giá cao. Với riêng Ban Công tác đại biểu, nhìn lại năm 2017, ông có đánh giá như thế nào?


Ảnh: Quang Khánh

Trên tinh thần đổi mới của QH, tiếp tục những kết quả đã đạt được trong năm 2017, năm 2018, Ban Công tác đại biểu sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục tham mưu giúp Đảng đoàn QH hoàn thành các bước còn lại việc triển khai công tác quy hoạch; kiện toàn nhân sự ĐBQH chuyên trách còn thiếu ở các cơ quan của QH theo tinh thần Hội nghị Trung ương Sáu, Khóa XII “đảm bảo tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra...”; Nghiên cứu văn bản hướng dẫn Nghị quyết số 85/2014/QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Đặc biệt, Ban sẽ giúp UBTVQH trình QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Sáu nhằm bảo đảm việc lấy phiếu được tiến hành nghiêm túc, đúng quy định, hiệu quả, thực chất. Một nhiệm vụ quan trọng nữa cũng sẽ được Ban  tiếp tục thực hiện là phối hợp tổ chức Hội nghị HĐND các khu vực và bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử.
 

Trưởng ban Công tác đại biểu
Trần Văn Túy

- Trước tiên, tôi gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo QH, Thường trực HĐND, ĐBQH, đại biểu HĐND đã đồng hành, ủng hộ và chia sẻ với các hoạt động của Ban trong năm qua. Với sự nỗ lực của tập thể, năm 2017, Ban Công tác đại biểu đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ được giao.

Ban đã tham mưu giúp Đảng đoàn QH hướng dẫn công tác quy hoạch ĐBQH chuyên trách và cán bộ quản lý ở QH. Đồng thời, giúp QH triển khai thực hiện quy trình, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, phê chuẩn, bầu một số chức danh lãnh đạo, tạo sự đồng thuận cao của ĐBQH và cử tri. Chúng tôi cũng đã tham mưu giúp UBTVQH xây dựng và ban hành Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện của ĐBQH.

Ban Công tác đại biểu cũng đã phối hợp chặt chẽ với HĐND tỉnh, thành phố; đồng chủ trì tổ chức các Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực để trao đổi kinh nghiệm về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, năng lực điều hành và ra nghị quyết của Thường trực HĐND; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và tiếp công dân của HĐND tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu dân cử.

Một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của Ban Công tác đại biểu là, chủ trì giúp UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề về việc ban hành Nghị quyết và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Điểm đáng lưu ý từ chuyên đề giám sát quan trọng này là gì, thưa ông?

- Chuyên đề giám sát đã tập trung đánh giá những vướng mắc của HĐND các tỉnh, thành phố trong năm đầu triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và một số Luật mới được QH thông qua... Kết quả cho thấy, các quy định mới trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã khẳng định và củng cố vai trò, vị thế của HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại diện cho người dân và giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước ở địa phương. HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, thực quyền hơn, đóng góp vào phát triển chung của từng địa phương và cả nước trong những năm qua.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng đã ghi nhận nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Ví dụ như việc chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh, thành phố; không giao trách nhiệm ban hành quy chế hoạt động của HĐND... Ban Công tác đại biểu, Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất UBTVQH và Chính phủ ban hành 60 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương. Hay Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND quy định hoạt động giám sát của đại biểu HĐND, tổ đại biểu HĐND nhưng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Để khắc phục những bất cập, Ban Công tác đại biểu cũng sẽ tập hợp các đề xuất, kiến nghị liên quan đến các luật này để trình UBTVQH xem xét, quyết định theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương Sáu, Khóa XII.


Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy thăm bộ phận một cửa của huyện Đông Sơn, Thanh Hóa
Ảnh: Hà An

Lấy phiếu tín nhiệm - không thể cảm tính

- Năm 2018, QH sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Có người ví đó như một cuộc “sát hạch” của cơ quan dân cử. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những hoạt động giám sát của QH, HĐND đã được quy định trong luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu. Đây cũng là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ. Tất nhiên, vì tính chất hệ trọng như vậy nên việc lấy phiếu tín nhiệm phải tuân theo đúng quy trình, thủ tục; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; bảo đảm công khai, dân chủ, đánh giá đúng, thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức của người được lấy phiếu. Đồng thời, phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ.

- Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này có điểm gì mới so với trước đây, thưa ông?

- Theo Nghị quyết số 85/2014/QH13, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ có nhiều điểm mới. Ở địa phương, đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm sẽ mở rộng đến Chánh Văn phòng HĐND và tất cả các thành viên UBND. Thời hạn và thời điểm lấy phiếu cũng có sự thay đổi. Theo đó, QH, HĐND chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Như vậy, QH Khóa XIV sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào Kỳ họp thứ Sáu, HĐND sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2018.

Đặc biệt, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này còn căn cứ vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương Bốn, Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ngoài ra, căn cứ theo Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4.8.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định số 90 – QĐ/TW ngày 4.8.2017 về Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

- Người Việt Nam vốn duy tình. Điều này liệu có ảnh hưởng đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm không, thưa ông?

- Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của đại biểu dân cử. Vì khi ấy, đại biểu không thể bỏ phiếu dựa trên cảm tính, yêu ghét cá nhân mà phải thực sự đại diện cho quyền làm chủ, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân đánh giá năng lực, phẩm chất, trách nhiệm... của người được QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Sự công tâm trong lá phiếu tín nhiệm cũng là trách nhiệm của đại biểu dân cử với người được lấy phiếu vì qua đó sẽ giúp người được lấy phiếu xác định được mình đã làm được gì và chưa làm được gì cho nhân dân, cho đất nước. Nói cách khác, lấy phiếu tín nhiệm chính là dịp để cả ĐBQH, đại biểu HĐND và người được lấy phiếu “soi” lại chính mình. Cử tri chính là chủ thể giám sát việc thực hiện trách nhiệm đó của từng đại biểu.

Với nguyên tắc dân chủ, công khai trong hoạt động của QH, HĐND, giám sát của các cơ quan báo chí, của cử tri, tôi tin rằng, các đại biểu sẽ thể hiện bản lĩnh, công tâm, khách quan với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Hai lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây cũng đã minh chứng rất rõ điều này.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Song Hà thực hiện