Chính sách và cuộc sống

Soi lại việc chọn người

- Thứ Bảy, 29/10/2016, 07:40 - Chia sẻ
Công tác cán bộ có lẽ chưa bao giờ “nóng” như thời gian gần đây khi cứ ít hôm lại thấy dư luận ỳ xèo, báo chí đưa tin. Từ Bộ Công thương nhốn nháo “đôn ghế, thăng quyền” không đúng; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương “loạn sếp” với 44 lãnh đạo “quản” 2 nhân viên đến chuyện bố đề bạt con trai, chồng thăng chức cho vợ, anh cài cắm chỗ đứng cho em… cứ như xếp “quân tướng trong bàn cờ”, để dọn đường cho cất nhắc đề bạt ở vị trí cao hơn.

Nhìn lại những quyết định bổ nhiệm gây tai tiếng ở Bộ Công thương. Phải chăng ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ không biết những đề xuất của mình là không chuẩn? Hay vì “sợ”, “nể” cấp trên? 

Những “ký tá” vội vàng ấy là trả ơn hay ban ơn? Và không biết, những vụ bổ nhiệm như “làm xiếc” ấy là theo quy định, quy trình nào? Khó mà tin rằng, những “ký tá” này là chuẩn mực, là trách nhiệm lo toan đội ngũ cán bộ kế cận khi hết quyền.

Đã có chuyện ở doanh nghiệp lớn, người đứng đầu trước khi “hạ cánh”, việc phải lo là “đôn” bằng được “thằng em huynh đệ” thay mình. Thôi thì thuyết phục “quân gia”, đôn đáo chạy đủ cửa, khen ngợi hết lời “thằng em” tâm huyết, tài năng. Nhưng thật ra là gửi lại bao dự án dở dang, những khoản vay lớn các ngân hàng chưa trả, hợp đồng mua sắm máy móc thiết bị “gửi giá, đôn giá” che trước, chắn sau cho những gì chưa kịp lấp cho kín, chưa quyết toán được xong… để tránh mắt thanh tra, kiểm toán.

Mổ xẻ đến tận cùng của những quyết định ấy chính là “lợi ích nhóm”, là ô dù che chắn, ban phát cho nhau. Những ký tá vội vàng lúc hoàng hôn nhiệm kỳ của ai đó, nói thẳng đa phần đều là vụ lợi. Không chỉ “đôn ghế, xếp ghế” cho thân hữu người nhà, mà còn cả ký tá dự án xây dựng, mua sắm tài sản công để “ăn phần trăm” vào đó.

Chuyện bộ máy các bộ, ngành, các cơ quan công quyền thừa thứ trưởng, dư cấp phó dư luận kêu giời, giờ đã xử lý đến đâu? Có hay không những “hàm” vụ trưởng, cục phó, những phó ban ở các cơ quan đoàn thể sao cũng quá nhiều? 

Mới hiểu vì sao, chống tham nhũng lại lo ngại nhất là một bộ phận công chức quyền uy tha hóa tự coi mình là những “ông vua con” thao túng quyền lực, lạm quyền quá gớm ghê! Nếu “o bế” các dự án, bạc tiền, đất đai thì chỉ thất thoát về vật chất. Nhưng khi sự “o bế” “xông” vào công tác cán bộ, nhất lại là công tác cán bộ ở những bộ, ngành trọng yếu của quốc gia thì tai họa sẽ còn lớn hơn nhiều.

Mọi đổi mới, cải cách đều phải bắt đầu từ con người. Mọi sự thành hay bại cũng đều là ở công tác cán bộ. Đúng quy trình, nhưng không đúng người, hoặc quy trình bị bóp méo, kiểu “gọt chân cho vừa giày” đã, đang và sẽ làm vơi niềm tin của người dân đối với đội ngũ cán bộ hiện nay. Vì thế, đã đến lúc, các nhà tổ chức phải “soi lại” công tác chọn người, phải bịt cho kín từng kẽ hở của cái quy trình chọn người ấy để từng cán bộ, dù là ở cấp nào cũng phải thực sự là công bộc của dân.

Minh Quân