Lắp camera giám sát hành trình trên xe ô tô

Sớm giải đáp vướng mắc

- Thứ Năm, 01/10/2020, 08:48 - Chia sẻ
Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trước ngày 1.7.2021, xe chở khách trên 9 chỗ và xe đầu kéo bắt buộc phải lắp camera giám sát hành trình. Thời gian từ nay đến lúc hoàn thành theo quy định chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa, nhưng tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều vấn đề về camera giám sát ô tô khiến các doanh nghiệp loay hoay chưa có lời giải.

Doanh nghiệp lúng túng

Tuy chi phí lắp đặt camera giám sát không quá lớn, nhưng đối với những doanh nghiệp có số lượng đầu xe lên tới vài chục, thậm chí vài trăm lại là một khoản chi phí không hề nhỏ, nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn. Để doanh nghiệp có thời gian phục hồi và ổn định để đầu tư và phát triển, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đang tổng hợp ý kiến để kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải lùi thời hạn hoàn thành việc lắp camera theo quy định thêm 2 năm, tức là đến cuối tháng 6.2023.

Theo khoản 1, 2 Điều 12 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và bảo đảm tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.

Khoản 2, Điều 13 và khoản 2, Điều 14 cũng nêu rõ, trước ngày 1.7.2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo phải hoàn thành lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

Theo quy định này sẽ có khoảng 170.000 xe (100.000 xe khách, 70.000 xe container và đầu kéo) phải lắp camera trên xe, trong đó mỗi xe bình quân phải lắp 2 camera. Quy định này là đúng với xu thế ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải, nâng cao sự an toàn đối với hành khách; đây cũng là căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, dù thời gian để hoàn thành việc lắp đặt camera theo quy định không còn dài, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào thực hiện. Nguyên nhân được đưa ra là do quy định lắp camera giám sát ô tô còn mơ hồ khiến doanh nghiệp lúng túng.

Đơn cử, trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 20.000 xe khách và gần 10.000 xe đầu kéo thuộc diện phải lắp camera. Tuy nhiên, đại diện Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội thừa nhận, đa số các xe vẫn chưa được trang bị do còn gặp khó khăn trong việc xác định loại camera đáp ứng yêu cầu quản lý vận tải. Hầu hết doanh nghiệp đều đang quan tâm đến quy chuẩn kỹ thuật khi lắp đặt camera giám sát, song nghị định số 10/2020/NĐ-CP vẫn chưa có quy chuẩn cụ thể nào cho camera giám sát ô tô.

Hiện nay, một số doanh nghiệp vận tải lắp camera trên xe nhằm phục vụ quản lý nội bộ doanh nghiệp như đếm khách lên, xuống. Trong khi đó, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định hình ảnh phải ghi nhận được tài xế và cửa lên xuống xe. Điều này khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn e ngại chưa dám triển khai ngay, thậm chí không biết chọn loại camera nào, giá cả và công nghệ ra sao cho phù hợp, vì có thể gây ra tình trạng lãng phí khi Bộ Giao thông - Vận tải ban hành quy định cụ thể.

Quy định lắp camera giám sát ô tô còn mơ hồ khiến doanh nghiệp lúng túng  

Nguồn: ITN 

Cần có hướng dẫn cụ thể

Trên thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để triển khai việc bắt buộc lắp camera giám sát hành trình trên các phương tiện kinh doanh chở khách, chở hàng khá đầy đủ như Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của ô tô năm 2011, Quy chuẩn Việt Nam 31:2014. Song, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 4.2020 bắt buộc xe trên 9 chỗ và xe container phải lắp camera và yêu cầu hoàn thành trong vòng 15 tháng; nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quy chuẩn và hướng dẫn.

Chưa kể, ngay trong các văn bản của Bộ Giao thông - Vận tải cũng thiếu sự thống nhất. Cụ thể, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe gồm cả lái xe và cửa lên xuống xe. Trong khi Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ lại quy định số lượng camera lắp trên xe phải quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và cửa lên xuống xe. Điều này vô hình trung đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, bởi nếu theo Thông tư 12, số lượng camera phải lắp sẽ rất khác nhau đối với các xe 30 chỗ trở lên.

Cùng với đó, nguy cơ mất an toàn cháy nổ trên xe cũng là vấn đề đáng lo ngại khi cách đây không lâu, để ngăn ngừa nguy cơ cháy xe, Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu các đơn vị vận tải phải tháo các thiết bị lắp thêm như ti vi và các thiết bị khác; nay lại yêu cầu bắt buộc phải lắp camera, trong khi có rất nhiều xe khách trên 30 chỗ phải lắp 3 - 4 camera. Nhiều ý kiến cho rằng, để tăng hiệu quả thực thi cho quy định, bên cạnh việc các cơ quan chức năng sớm giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp bằng hệ thống các văn bản hướng dẫn cụ thể, cần rà soát những điểm còn chồng chéo, mâu thuẫn để các doanh nghiệp triển khai thực hiện hiệu quả.

Hiểu Lam