Sớm hoàn thiện chính sách cho nạn nhân da cam thế hệ thứ 3

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 22:44 - Chia sẻ
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh cho biết: Dù đã rất nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân da cam và gia đình của họ trong nhiều năm qua nhưng theo thống kê hiện vẫn còn khoảng 100.000 trường hợp người tham gia kháng chiến chưa được hưởng các chính sách về nhiễm chất độc da cam do bị thất lạc giấy tờ, xác định cụ thể loại bệnh… Đặc biệt, thế hệ thứ 3, thứ 4 của nạn nhân chất độc da cam hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, nhưng đối tượng này chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng”.

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc thực hiện chính sách với nạn nhân chất độc da cam còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, số hồ sơ cần xem xét giải quyết chế độ tồn đọng nhiều; mức trợ cấp cho nạn nhân còn thấp. Đời sống của các nạn nhân chất độc da cam còn rất nhiều khó khăn, nhất là những người bị bệnh nặng, các gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân; nhiều nạn nhân còn nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách. Các cơ quan chuyên trách chưa có sự phối hợp chặt chẽ; việc thực hiện Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh người có công nảy sinh một số vướng mắc… Do có nhiều khó khăn, bất cập nên việc giải quyết chính sách cho thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam bị đẩy chậm.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thế Lực cho rằng, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các đối tượng chính sách, đặc biệt là người có công với cách mạng, trong đó có người hoạt động kháng chiến và con, cháu họ bị ảnh hưởng chất độc hóa học. Đối tượng cháu ruột của người hoạt động kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học cần sớm được đưa vào vào khung chính sách ưu đãi người có công; sớm tổ chức khảo sát, điều tra và có chế độ chính sách về trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi khác cho những thế hệ thứ 3, 4 của nạn nhân như đối với con đẻ…

Được biết, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Pháp lệnh số 04/2012 về Chính sách người có công trong đó có nạn nhân chất độc da cam nói chung và thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc da cam nói riêng để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi; góp phần hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống của các nạn nhân.

H. Hạnh