Nhịp cầu

Sớm khắc phục tình trạng bến thủy nội địa hoạt động không phép

- Thứ Hai, 14/09/2020, 06:20 - Chia sẻ
Trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Hà Nội có tuyến sông Hồng dài khoảng 12km, đây là tuyến giao thông đường thủy chủ yếu trên địa bàn. Lưu lượng phương tiện trên tuyến sông này rất lớn, bao gồm các phương tiện vận tải hàng hóa và vận tải hành khách, việc bốc xếp, trung chuyển hàng hóa, vật tư phục vụ phát triển kinh tế - xã đóng vai trò quan trọng, đặc biệt phục vụ đầu tư xây dựng nông thôn mới của huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Việt Cường cho biết: Hiện tại, huyện có 9 bến thủy nội địa, nơi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, bến khách ngang sông. Các bến này hình thành trước năm 2010, được Sở Giao thông - Vận tải cấp phép hoạt động, nhưng đến tháng 6.2020 đều đã hết hạn, chưa được cấp phép trở lại và hiện mới có 2/9 bến bãi chấp hành dừng hoạt động.

Mặc dù đã hết hạn cấp phép, song điều đáng nói là qua khảo sát, 7 bến bãi vẫn hoạt động, không bảo đảm các quy định về an toàn hệ thống kè phòng hộ, việc neo đậu phương tiện, tàu thuyền trong phạm vi kè phòng hộ và có hiện tượng xe quá tải đi trên đê. Đáng chú ý, bến thủy nội địa Phúc Sơn (xã Sen Phương, đại diện chủ bến là ông Đoàn Văn Cường) và bến thủy nội địa Thúy Bình (xã Sen Phương, đại diện chủ bến là bà Kiều Thị Thanh Thúy), mặc dù UBND thành phố có quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục, tạm dừng hoạt động nhưng đến nay vẫn hoạt động.

Về thực trạng này, đại diện UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, vận động, giải thích để các chủ hộ tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tạm dừng hoạt động đối với các bến thủy nội địa trên địa bàn; lập biên bản xử lý đối với các chủ bến thủy nội địa không chấp hành.

Trong buổi làm việc mới đây của Đoàn khảo sát HĐND thành phố với UBND huyện Phúc Thọ về công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý các bến thủy nội địa, nhấn mạnh những tồn tại, bất cập đặc biệt là việc các bến thủy nội địa vẫn đang hoạt động dù không có giấy phép, Đoàn khảo sát đề nghị các cấp chính quyền từ huyện đến các xã cần tăng cường kiểm tra, có các biện pháp xử lý hiệu quả để các chủ bến, chủ bãi thực hiện nghiêm các chỉ đạo của thành phố, đặc biệt là rà soát lại các quy định của pháp luật để hướng dẫn cho các chủ bến thực hiện. Đoàn khảo sát cũng đề nghị các sở, ngành của thành phố sớm tham mưu cho UBND thành phố có văn bản hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn đơn vị khai thác bến khách ngang sông, điểm trung chuyển vật liệu xây dựng, để các bến, bãi đi vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Việc các bến thủy nội địa vẫn đang hoạt động dù không có giấy phép không chỉ là thách thức đối với việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người và phương tiện giao thông đường thủy. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt hơn của các cấp, ngành chức năng để sớm khắc phục.

LÊ HỢP