Nhịp cầu

Sớm trùng tu, tôn tạo di tích ATK Định Hóa

- Thứ Hai, 17/06/2019, 07:56 - Chia sẻ
Trận mưa lũ quét tàn phá từ tháng 9.2018 đã làm thiệt hại diện rộng trên địa bàn huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, khu Di tích Quốc gia Đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa bị sạt lở, hư hại nghiêm trọng. Đến nay, sau gần 10 tháng lũ đi qua, công trình này vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo, gây bức xúc trong nhân dân địa phương và các du khách đến tham quan.

Theo phản ánh của người dân địa phương, trận mưa lũ tràn qua đã khiến di tích lán ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng tại Nà Mòn, xã Phú Đình (Định Hóa) bị hư hại nghiêm trọng. Cụ thể, 1/3 gian lán bên trái gần như bị đổ, hiện vật trưng bày bên trong bị hư hỏng, dát sàn lán bị gãy. Hầm trú ẩn và nền lán bên trái bị sạt lở. Khuôn viên di tích bị hàng nghìn khối bùn, đất, đá tràn vào, chưa kể 30m hàng rào phía trước khuôn viên và toàn bộ hàng rào phía sau bảo vệ di tích bị đổ, mất tác dụng. Do thiệt hại quá nặng, Ban Quản lý (BQL) ATK Định Hóa buộc phải treo biển ghi dòng chữ “Di tích hư hỏng do mưa bão, tạm dừng hoạt động” từ tháng 9.2018 đến nay.

Ghi nhận của phóng viên cũng cho thấy, một di tích quan trọng khác là di tích “Đồi phong Tướng” (xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình), nơi mà ngày 28.5.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam Võ Nguyễn Giáp đã bị đất, đá sạt lở che lấp nhà bia ghi sự kiện. Mặc dù nhà bia đã được khắc phục tạm thời nhưng nay vẫn còn ngổn ngang nên Ban Quản lý ATK phải hạn chế khách đến thăm. Cùng với hai di tích trên, rất nhiều di tích khác trong khu vực ATK bị ảnh hưởng, đường giao thông bị hư hỏng sau mưa lũ.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng ban phụ trách BQL ATK Định Hóa Nguyễn Văn Nương cho biết, ngay sau khi mưa, lũ quét gây thiệt hại đối với hai di tích quan trọng nói trên, BQL đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng thành lập Đoàn kiểm tra, đánh giá thiệt hại và đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25.9.2018. Tiếp đó, ngày 23.10.2018, UBND tỉnh Thái Nguyên lại ban hành Văn bản số 4311, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đề xuất và báo cáo UBND tỉnh lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để đánh giá, lập phương án khắc phục, sửa chữa, trùng tu di tích; đồng thời chỉ đạo BQL ATK Định Hóa cắm biển cảnh báo và có phương án bảo đảm an toàn tại các vị trí sạt lở trong khu vực di tích; tạm thời khắc phục, dọn dẹp vệ sinh một số điểm di tích bị ảnh hưởng nhẹ để bảo đảm môi trường và cảnh quan di tích. UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở KH - ĐT, các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí (từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác) để đầu tư sửa chữa cấp bách các hạng mục di tích.

Từ đó đến nay, liên tục là các “văn bản qua lại”, mới nhất là Văn bản số 746 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi UBND tỉnh. Trong đó nêu rõ: Đến nay, sạt lở tại hai di tích lán làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và “Đồi phong Tướng” vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích”, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt ATK Định Hóa ghi dấu nơi ở và việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan của Đảng, Chính phủ đóng trụ sở trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Việc lưu giữ, bảo tồn các di tích ở ATK Định Hóa nhằm tri ân công lao to lớn, thể hiện lòng biết ơn đối với Bác Hồ và các nhà lãnh đạo tiền bối; đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và cho các thế hệ sau. Do vậy, chính quyền, nhân dân địa phương cũng như du khách rất mong muốn tỉnh sớm có giải pháp trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt bị tàn phá do thiên tai.

ĐÀO CẢNH