ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH SƠN LA NHIỆM KỲ 2020 - 2025: THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH, PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG

Sơn La sẽ là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao vùng Tây Bắc

- Thứ Hai, 21/09/2020, 06:34 - Chia sẻ
Tỉnh Sơn La hiện có 21 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận bảo hộ, xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 12 nước. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu đưa Sơn La “trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc”. Trong đó, “tỉnh sẽ hình thành 8 vùng nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp tại Mộc Châu”, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỮU ĐÔNG xác nhận.

Cơ bản đạt mục tiêu “trở thành tỉnh phát triển khá”

- Thưa ông, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt mục tiêu "Xây dựng tỉnh Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc".  Đến thời điểm này nhìn lại, mục tiêu đó có đạt không?

- Nghị quyết đặt ra mục tiêu này trong bối cảnh tỉnh Sơn La dù luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, Trung ương cũng như các tỉnh bạn và đã vươn lên đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Ảnh: Quang Khánh

Cụ thể, khi bước vào đầu nhiệm kỳ (cuối năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo chiếm 33,44% (theo chuẩn nghèo đa chiều), cao hơn so với cả nước; 43/204 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 13,3% số hộ gia đình (gần 34.000 hộ) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Tình hình an ninh, chính trị tại một số địa bàn còn tiềm ẩn nhân tố có thể gây nguy cơ mất ổn định như: hoạt động tuyên truyền lập "Nhà nước Mông" của các thế lực thù địch; tình hình tội phạm, nhất là tội phạm ma túy qua biên giới còn phức tạp...

Trong bối cảnh đó, với sự đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và nhân dân các dân tộc, nỗ lực triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV của tỉnh và đạt những kết quả quan trọng. Về cơ bản, mục tiêu Xây dựng tỉnh Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc” đã đạt được.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về kết quả này?

- Trước hết, tỉnh đã thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với nhiều kết quả tích cực. Theo đó, Đảng bộ tỉnh đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện 07 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; tập trung thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020; chủ động ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng đồng bộ. Hạ tầng đô thị được mở rộng. TP Sơn La đã được công nhận là đô thị loại II, thị trấn Hát Lót và Mộc Châu được công nhận là đô thị loại IV, các khu trung tâm hành chính huyện Sốp Cộp, Quỳnh Nhai được công nhật đạt đô thị loại V.

Nguồn nhân lực có sự gia tăng về số lượng, đa dạng cơ cấu, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 ước đạt 55% (tăng 19 điểm phần trăm so với năm 2015); trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 20% (tăng 10% điểm phần trăm), đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra.

Về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIV: Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,46%/năm. Quy mô kinh tế tăng mạnh, ước thực hiện năm 2020, tổng sản phẩm GRDP (theo giá hiện hành) đạt 56.009 tỷ đồng, tăng 1,54 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44,1 triệu đồng/người/năm, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV.

Cơ cấu các ngành kinh tế có sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn. Trong đó, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tỉnh đã có 147 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 21 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận bảo hộ; đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 12 nước (Australia; Pháp; Mỹ; Nhật…). Một số loại nông sản, thủy sản của tỉnh có diện tích, sản lượng lớn nhất trong vùng Tây Bắc và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (quả các loại, bò sữa, bò thịt, sắn, ngô…). Ước đến hết năm 2020, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 80.515ha, tăng 311% so với năm 2015, lớn thứ hai cả nước.

Văn hóa, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 34,44% (năm 2015) xuống còn 18,62% (năm 2020), bình quân giảm trên 3%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra;... quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Hình thành 8 vùng nông nghiệp công nghệ cao

- Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Sơn La xác định đâu là khâu đột phá tập trung thực hiện để khắc phục những hạn chế hiện hữu, đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, thưa ông?

- Trên cơ sở nhìn nhận, phân tích thấu đáo những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức trong những năm tới và bám sát các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; để thực hiện mục tiêu "Xây dựng Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững"  trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá:

Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp, nhất là bậc THPT và chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Sơn La để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, kết nối, từng bước hiện đại, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm, kết nối trong vùng, giữa các địa phương, với trung tâm kinh tế của các tỉnh và cả nước. Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, điện lực, công nghệ thông tin, nông thôn (điện, đường, trường, trạm); hạ tầng du lịch; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, giáo dục, y tế.

Thứ ba, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thu hút, phát triển các ngành kinh tế và các lĩnh vực xã hội của tỉnh.

- Sơn La có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vậy tỉnh có chủ trương, định hướng thế nào để cụ thể hóa tiềm năng, lợi thế này?

- Một trong những mục tiêu tổng quát được Đảng bộ tỉnh đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đưa Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

Để làm được điều này, tỉnh chủ trương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thủy sản.

Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng chuyên canh, các vùng nguyên liệu lớn, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Dự kiến, tỉnh sẽ xây dựng và hình thành 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông sản, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Mở rộng vững chắc thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đầu tư trồng, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Hiện, tỉnh đã thu hút nhiều tập đoàn lớn như TH, FLC, Vinamilk... đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn. Tỉnh cũng phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, du lịch của vùng Tây Bắc, đồng thời nghiên cứu lộ trình xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 - 2025

Ðại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 22 - 24.9. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 như sau:

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,5%/năm;GRDP bình quân đến năm 2025 đạt 60 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2025, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29,7%; dịch vụ chiếm 42,5%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2020 - 2025 giảm bình quân 3%/năm.

- Đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 92,5%; tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt 88%...

Bài liên quan:
Đan Thanh