Sơn La thực hiện hiệu quả vốn tín dụng

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 07:59 - Chia sẻ
Tình hình chính trị - xã hội ổn định; nghèo nàn, lạc hậu đang được đẩy lùi; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; cuộc sống đồng bào dân tộc ngày càng sung túc… là những điểm nổi trội của Sơn La trong những năm gần đây. Kết quả này có sự góp sức của nguồn vốn tín dụng chính sách và sự linh hoạt trong việc huy động, lồng ghép các Chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới…

3 thế hệ trưởng thành từ vốn chính sách

Giữa thảo nguyên xanh Mộc Châu - Vân Hồ hay trên non ngàn Bắc Yên, Phù Yên của tỉnh Sơn La có không ít gia đình 3 thế hệ của người Thái, Mường, Mông, Dao… đã và đang sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách và từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Điểm giao dịch xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, Sơn La

Bao năm qua, cứ lớp người trước nhắc nhở lớp người sau, bà con tự nguyện hoàn trả nợ gốc, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn. Điển hình như Vi Thị Ngừng, 22 tuổi, bản Khà Nhài, xã Mường Men, huyện Vân Hồ đã học tập gương ông nội và bố đẻ, sử dụng 50 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Vân Hồ đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và có đồng vốn chính sách làm “bà đỡ” mát tay, chỉ 4 năm sau, cặp bò đã giúp cô gái dân tộc Mông trả hết nợ vay ngân hàng, thoát cảnh nghèo túng, có tích luỹ phát triển sản xuất.

Ở Sơn La còn có nhiều gia đình miền xuôi lên khai hoang làm kinh tế mới; lập thành làng, bản riêng như bản Kiến Xương thuộc xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu; bản Kim Thi, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu... Phần lớn trong số đó đã gây dựng được cơ ngơi đáng nể từ sự tiếp sức của nguồn vốn tín dụng chính sách. Hay ở xã Nậm Lạnh thuộc huyện Sốp Cộp, từ 30 tỷ đồng tín dụng chính sách, bà con nơi đây đã chuyển đổi được 124ha cây ăn quả, phát triển đàn trâu bò trên 4.300 con. Nhờ đó, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 15,64%... Đặc biệt, đã xuất hiện những mô hình sản xuất giỏi như mô hình vườn ao chuồng của anh Hoàng Văn Quyết, sinh năm 1992 ở bản Mo, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm...

Thực hiện hiệu quả 17 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước

Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La Hoàng Xuân Trường, 18 năm qua, đặc biệt 8 tháng năm 2020, dù gặp phải thời tiết nắng nóng, gay gắt, dịch Covid-19 lan rộng nhưng toàn đơn vị vẫn dốc sức huy động, tạo lập được nguồn vốn lớn và tổ chức thực hiện hiệu quả 17 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước; đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương.

Thời gian qua, toàn bộ 127 tỷ đồng nguồn vốn do huy động, tạo lập được, kể cả nguồn ngân sách từ UBND tỉnh, huyện ủy thác đã được chuyển tải nhanh chóng, an toàn về các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn ở 5 huyện nghèo 30a: Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp của tỉnh Sơn La. - Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La Hoàng Xuân Trường

Qua đó, có khoảng 17 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở Sơn La có điều kiện chủ động sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm mới, tăng thu nhập và xây dựng các công trình nước sạch, nhà ở vững chắc. Toàn tỉnh đã đầu tư chăn nuôi được 21 nghìn con trâu, bò; mở rộng, thâm canh 15.637ha vườn cây ăn quả đặc sản như xoài, chanh leo lòng vàng, thanh long ruột đỏ. Đồng vốn chính sách đã hỗ trợ các huyện nghèo và 112 xã đặc biệt khó khăn khai hoang, phục hóa 610ha ruộng nước, 600ha ruộng bậc thang, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng nạc, nuôi cá lồng bè, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 35,44% năm 2016 xuống còn 29,7% năm 2019. Đặc biệt, cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, năm 2018, hai huyện Phù Yên, Quỳnh Nhai của Sơn La thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a.

Có thể thấy, các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện thường xuyên, liên tục và có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp đã giúp đồng bào các dân tộc Sơn La thay đổi cách nghĩ, cách làm; mang lại sức sống mới cho núi rừng Tây Bắc xinh đẹp. Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La Hoàng Xuân Trường cho biết, doanh số cho vay trong 8 tháng năm 2020 ở Sơn La đạt 656 tỷ đồng, bằng 87,8% so với cùng kỳ năm 2019; doanh số thu nợ đạt trên 410 tỷ đồng bằng 106% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng dư nợ đạt xấp xỉ 4.700 tỷ đồng với hơn 140 nghìn khách hàng còn dư nợ, đạt 98,8% kế hoạch năm; nợ quá hạn thấp, chỉ còn 0,08% tổng dư nợ.

Thời gian tới, cùng các cấp ngành trên địa bàn, NHCSXH Sơn La nỗ lực tăng trưởng nguồn vốn, bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có đủ điều kiện, nhu cầu đều được tiếp cận thuận lợi với các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cấp và phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất trong nhiệm vụ phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm trật tự an ninh để nghèo khổ, lạc hậu ở Sơn La sớm được đẩy lùi.

Lương Xuân - Đông Dư