Sơn La: Ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 23:13 - Chia sẻ
Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp với các sản phẩm nông sản chất lượng cao. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành cũng như sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN), hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh được đổi mới, với hơn 70% số nhiệm vụ KHCN được ứng dụng bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Ứng dụng công nghệ giúp nông nghiệp Sơn La phát triển
Ứng dụng công nghệ giúp nông nghiệp Sơn La phát triển

Nâng cao hiệu quả kinh tế

Theo báo cáo của Sở KHCN Sơn La tính từ năm 2016 đến năm 2019, Sở đã bàn giao tổng số 105 kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án KHCN cho 30 đơn vị thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các trường Đại học, doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh. Điển hình với kết quả của các đề tài, dự án trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững...

Các nghiên cứu liên quan đến cây ăn quả đặc biệt theo hướng phát triển cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây trồng kém hiệu quả được tập trung nghiên cứu trong thời gian qua như xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Sông Mã, từ hiệu quả của mô hình vài hạ đến nay đã mở rộng được hơn 4 nghìn ha tại Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, TP Sơn La,… với thu nhập 200 - 300 triệu đồng/ha, nhiều diện tích đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2017-2018, sản phẩm nhãn Sông Mã đã được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận và được cấp mã vùng xuất khẩu, được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan...

Mô hình trồng Thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Mai Sơn cho thu hoạch 20 tấn/ha với giá bán 30.000 đ/kg, doanh thu khoảng 200 - 300 triệu/ha. Từ kết quả của dự án trên địa bàn huyện Mai Sơn đã mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ, đã thành lập HTX sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời đã lựa chọn và đăng ký chứng nhận 4 cây Thanh Long đầu dòng, là nguồn cung cấp giống để mở rộng diện tích ra các huyện Mai Sơn, Yên Châu, thành phố, Sông Mã, Mường La. Hiện nay diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh là 133 ha, sản lượng 404 tấn. Sản phẩm thanh long ruột đỏ được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, các siêu thị Hà Nội, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, UAE và đang được chào hàng sang một số nước khác.

Các quy trình công nghệ là kết quả nghiên cứu tiếp tục được nhân rộng như công nghệ tưới nhỏ giọt israel, từ việc ứng dụng tưới trên cà phê đến nay đã mở rộng tưới cho cây chè, rau, cây ăn quả; Công nghệ ghép chuyển đổi giống có năng suất chất lượng được ứng dụng rộng rãi, quy trình phục tráng các giống đặc sản được ứng dụng đề bảo vệ và phát triển nguồn gen cây trồng quý của tỉnh như giống lúa nếp tan Mường Và, nếp tan Ngọc Chiến, giống xoài tròn Yên Châu; Cùng với đó là các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng chủ lực được ứng dụng trong sản xuất góp phần ổn định năng suất, chất lượng sản phẩm như phòng trừ hiện tượng chùn ngọn cà phê, sâu đục quả xoài...

Công nghệ trong bảo quản và chế biến nông sản như chế biến sản phẩm rượu vang Sơn tra, rượu chuối, chuối sấy Yên Châu, sản phẩm rượu mận, mứt mận Mộc Châu, sản phẩm mật ong Sơn La, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt lòng hồ thủy điện… tiếp tục được duy trì. Từ kết quả dự án “Xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm từ quả Sơn Tra tại huyện Bắc Yên" và mô hình bảo quản, chế biến và tiêu thụ quả Sơn Tra.  Hiện nay, Công ty TNHH Bắc Sơn đang tiếp tục duy trì sản xuất các sản phẩm từ quả sơn tra, mỗi năm sản xuất được 90.000 lít rượu táo mèo, 10.000 lít rượu vang, lợi nhuận hàng năm 500-700 triệu đồng. Các sản phẩm do công ty sản xuất được khách hàng yêu thích lựa chọn.

Truyền thông về KHCN đóng vai trò quan trọng

Tại hội thảo “Báo chí với công tác truyền thông khoa học và công nghệ” diễn ra tại TP. Sơn La vừa qua , Giám đốc Sở KHCN tỉnh Sơn La, Phạm Quang An cho biết: Để có được những kết quả quan trọng trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp của địa phương còn là thành công lớn trong công tác truyền thông KHCN. 

Theo ông Phạm Quang An, những năm qua, tỉnh Sơn La đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng các ấn phẩm thông tin KHCN, đẩy mạnh truyền thông KHCN trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức khác nhau như: phóng sự truyền hình, phóng sự ảnh, các bài viết phản ánh, bài viết mang tính chuyên sâu về công tác nghiên cứu khoa học hay các tin ngắn mang tính thời sự về hoạt động KHCN diễn ra trên địa bàn tỉnh, hay các quy trình công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để người dân dễ dàng tiếp cận, ứng dụng và nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Giám đốc Sở KHCN tỉnh Sơn La, Phạm Quang An
Giám đốc Sở KHCN tỉnh Sơn La Phạm Quang An

“Từ năm 2015 đến nay, đã xuất bản 23 cuốn Bản tin KHCN với số lượng 2.620 cuốn; xuất bản 5.700 cuốn Lịch Khoa học các năm; 32 số Bản tin video, phối hợp Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Sơn La xây dựng 72 phóng sự khoa học, đăng tải trên 800 tin, bài về hoạt động KHCN trên Trang thông tin điện tử của Sở KHCN để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin khoa học của độc giả” – ông Phạm Quang An cho biết.

Theo Giám đốc Sở KHCN tỉnh Sơn La, để nâng cao hiệu quả ứng dụng KHCN trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trước nhịp chảy công nghệ 4.0 trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi phải đẩy mạnh truyền thông KHCN.

Ông Phạm Quang An đề xuất tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu KHCN, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản, chế biến các sản phẩm có lợi thế của tỉnh; ứng dụng phần mềm điều khiển các thiết bị kỹ thuật số trong nông nghiệp nhằm điều khiển hệ thống tưới tiêu, hệ thống thiết bị thông minh nhà lưới, nhà kính, điều khiển nhiệt độ trong nhà kính, nhà lưới... 

Cần có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong xây dựng đề xuất nhiệm vụ KHCN sát với thực tiễn tại địa phương. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường truyền thông KHCN về kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KHCN trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó tập trung vào các quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi, các kỹ thuật nhân giống, bảo quản sản phẩm nông sản, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, canh tác theo hướng hữu cơ,....

Xuân Tùng