Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

- Thứ Hai, 19/08/2019, 07:59 - Chia sẻ
Dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang vào mùa cao điểm. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, 7 tháng năm 2019, thành phố ghi nhận 31.787 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 160 % so với cùng kỳ năm 2018. Trong 7 tháng qua, thành phố có 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; trong đó có 5 người lớn và 2 trẻ em.

Số ca mắc tăng nhanh, diễn tiến nặng

Trong đợt Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Hóc Môn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn Ngô Hồng Việt Thanh cho biết, tính đến ngày 11.8, toàn huyện ghi nhận 2.260 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 393% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Huyện Hóc Môn ghi nhận phát sinh 180 ổ dịch sốt xuất huyết với 2 ổ dịch trong trường học. Hiện toàn huyện có 932 điểm nguy cơ có thể phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới. Với việc có đến 932 điểm nguy cơ trên địa bàn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Nga lo ngại, Hóc Môn sẽ trở thành “điểm nóng” về dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới, bởi 932 điểm nguy cơ có thể sẽ trở thành 932 ổ dịch nếu không được kiểm soát, xử lý rốt ráo.

Hiện nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng đang điều trị cho khoảng 200 ca sốt xuất huyết gồm cả người lớn và trẻ em. Trong đó, tại Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn đang cứu chữa 5 trường hợp nặng được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh lân cận. Khoa Hồi sức Nhi những ngày gần đây, mỗi ngày tiếp nhận 5 - 6 ca bị sốc sốt xuất huyết. Chị Nguyễn Thị Hải, ngụ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh trong tình trạng vàng da, khó thở, bụng trướng. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị sốt xuất huyết biến chứng đến gan và nhiều cơ quan nội tạng khác. Các bác sĩ đã phải rất vất vả để cứu bệnh nhân khỏi nguy kịch.

Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hảo cho biết, sốt xuất huyết dengue diễn biến nặng từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Những ngày đầu, bệnh nhân chủ yếu là sốt, đau nhức cơ, sau đó có thể chuyển nặng. Cụ thể, người bệnh bị thoát huyết tương ra ngoài thành mạch dẫn đến sốc sốt xuất huyết dengue, hoặc rối loạn đông máu khiến bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, đi tiểu ra máu, chảy máu răng, máu mũi, không thể cầm máu hoặc rong kinh, xuất huyết âm đạo ở phụ nữ. Nhiều khi có tình trạng tổn thương tạng, thường gặp là tổn thương gan, thận, hôn mê, một số trường hợp xuất huyết não.


Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh

Người dân còn lơ là

Bác sĩ Ngô Hồng Việt Thanh chia sẻ, Hóc Môn là địa bàn rộng, tỷ lệ dân nhập cư chiếm đến khoảng 45% dân số, chủ yếu là công nhân, buôn bán nhỏ, ở các khu nhà trọ và thường xuyên vắng nhà, khiến công tác tuyên truyền và xử lý dịch bệnh gặp khó khăn.

“Khi nhân viên y tế đến tuyên truyền, vận động hoặc điều tra, xử lý ca bệnh đều không gặp người bệnh hoặc người nhà, thậm chí đến phun hóa chất diệt muỗi cũng bị người dân từ chối” - bác sĩ Ngô Hồng Việt Thanh cho hay.

Bác sĩ Lê Hồng Nga cho biết thêm, hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức diệt lăng quăng của các địa phương chưa thực sự tốt. Kiểm tra ngẫu nhiên tại một điểm dân cư của xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh vẫn phát hiện có đến 64 vật chứa nước/100 nhà dân. “Còn vật chứa nước trong cộng đồng thì có nghĩa là còn nguy cơ lây lan sốt xuất huyết. Điều này cho thấy công tác phòng chống sốt xuất huyết của địa phương chưa thực sự hiệu quả”, bác sĩ Lê Hồng Nga đánh giá.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (CDC) Nguyễn Trí Dũng, người dân hiện nay chưa hợp tác với cơ sở y tế trong phòng ngừa sốt xuất huyết. “Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp nhưng khi cán bộ y tế thông báo lịch phun xịt thuốc diệt muỗi thì rất nhiều hộ dân đến ngày đó đóng cửa, không cho xịt thuốc, nhất là những nhà có nhiều tầng, nhiều phòng. Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền rất rõ, sử dụng hóa chất ít độc hại nhưng họ vẫn không hợp tác. Đây là một trở ngại rất lớn trong phòng chống dịch”.

Dự báo tình hình bệnh sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng thời gian tới và chưa có vaccine phòng bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân tích cực phối hợp với ngành y tế tham gia diệt lăng quăng, loại bỏ và lật úp các vật chứa nước nhằm kéo giảm nguy cơ mắc sốt xuất huyết cho bản thân và cộng đồng với phương châm “Cuối tuần không lăng quăng, cả tuần không có muỗi”.

Bài và ảnh: Bạch Dương