Giám sát tại kỳ họp HĐND :

Sự lắng nghe, tiếp thu, chuyển động của các cấp chính quyền

- Thứ Sáu, 01/03/2013, 10:45 - Chia sẻ
Giám sát tại kỳ họp của HĐND thông qua hoạt động chất vấn, thẩm tra, giải trình ... và thông tin trực tiếp tới cử tri đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Điều này thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu, chuyển động của các cấp chính quyền trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, thực hiện lời hứa và các yêu cầu của đại biểu HĐND. Chính hình thức giám sát này đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, phương thức giám sát này luôn cần được nghiên cứu, đổi mới và thực hiện triết để trên thực tiễn.

Tại kỳ họp các đại biểu HĐND đều được thực hiện chức năng giám sát; Các ngành được mời tham dự được đóng góp tham gia ý kiến ngay tại kỳ họp;  Các đại biểu  đều có  thể thực hiện quyền chất vấn;  giám sát tại kỳ họp được truyền hình trực tiếp để cử tri quan tâm theo dõi. Vì vậy,  việc thực hiện tốt giám sát tại kỳ họp sẽ góp phần nâng cao vị thế của HĐND, thể hiện được trách nhiệm của các đại biểu trước cử tri. Đối với các cơ quan chịu sự giám sát cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình theo trọng trách được giao; những vấn đề bức xúc và những kiến nghị chính đáng được trả lời, xem xét giải quyết với ý thức trách nhiệm cao hơn, hạn chế tình trạng rơi vào lãng quên hoặc để kéo dài.

Phải thẳng thắn nhìn nhận trong giám sát tại kỳ họp một số đại biểu còn nể nang, ngại chất vấn, hoặc chất vấn nội dung chưa sâu, chưa đi thẳng vào vấn đề cần quan tâm, không khí có phần chưa thực sự sôi nổi… Có cơ quan, đơn vị giải trình trả lời chất vấn còn chung chung, tính thuyết phục chưa cao, còn vòng vo chưa đi thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, nhất là những mặt chưa làm được, những chủ trương và giải pháp khắc phục trong thời gian tới…

Để giám sát có chất lượng phải chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị, nội dung giám sát sau khi thống nhất phải gửi sớm cho cơ quan chịu sự giám sát chuẩn bị văn bản báo cáo; văn bản báo cáo phải hoàn thành và gửi trước cho các đại biểu ít nhất một tuần để có điều kiện nghiên cứu văn bản. Ngoài báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát, báo cáo thẩm tra của Ban cần có thêm những thông tin cần thiết liên quan đến nội dung giám sát gửi các đại biểu để nghiên cứu như các chủ trương chính sách của Nhà nước, nghị quyết của HĐND, thông tin hoạt động của các tỉnh bạn trong khu vực về lĩnh vực đó để tham khảo, qua đó để nhìn nhận đánh giá vấn đề khách quan hơn.

Trên cơ sở nội dung giám sát Thường trực HĐND phân công các Ban của HĐND tiến hành thẩm tra, trên cơ sở báo cáo thẩm tra có thêm những thông tin cho đại biểu HĐND thảo luận, chất vấn cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Báo cáo thẩm tra cần phải khẳng định rõ những kết quả đã đạt được, sự nỗ lực cố gắng của đơn vị, kết quả đó phải được so sánh với mục tiêu kế hoạch nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó cần phải chỉ ra được những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, những mặt chưa làm được, nhất là làm rõ nguyên nhân, trong đó chú trọng nguyên nhân chủ quan để từ đó kiến nghị những chủ trương và giải pháp tháo gỡ những khó khăn, khắc phục những tồn tại để tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu mục tiêu đề ra.

Về trách nhiệm của các đại biểu phải nghiên cứu tài liệu chuẩn bị các nội dung tham luận tham gia đóng góp ý kiến cũng như nội dung gì chưa rõ cần chất vấn để cơ quan chịu sự giám sát giải trình thêm. Tập trung vào các nội dung cơ bản, nhất là những vấn đề chưa tán thành, những vấn đề thấy chưa rõ cần phải giải trình, những nội dung xét thấy còn thiếu trong báo cáo chưa nêu cần phải bổ sung, hạn chế nhắc lại những vấn đề đã đề cập trong báo cáo, không nêu chung chung cần đi thẳng vào những vấn đề cụ thể cần quan tâm. Ý kiến tham gia hoặc chất vấn phải thể hiện tính xây dựng, thẳng thắn, trung thực với tinh thần trách nhiệm cao, tránh tư tưởng nể nang xuôi chiều hoặc ngại va chạm, thấy vấn đề nhưng không phát biểu.

 Để tạo điều kiện cho chủ tọa khi điều hành cần thiết Thường trực HĐND khi làm công tác chuẩn bị trước khi khai mạc kỳ họp xét thấy cần thiết có thể gợi ý cho các Tổ đại biểu để đăng ký ý kiến phát biểu chất vấn, hạn chế tối đa thời gian để trống tại hội trường. Ngoài ra để phát huy dân chủ rộng rãi tại kỳ họp, các đại biểu có thể phát biểu chất vấn trực tiếp đối với cơ quan chịu sự giám sát, nhất là các nội dung cơ quan giải trình nhưng chưa rõ, hoặc trả lời những đại biểu thấy chưa đồng tình, hoặc giải trình chưa hết những nội dung mà đại biểu có ý kiến…

Về giải trình và tiếp thu của cơ quan chịu sự giám sát. Tuy khuôn khổ thời gian có hạn, qua ý kiến của các đại biểu có nội dung xét thấy chưa thể trả lời ngay tại kỳ họp, cơ quan chịu sự giám sát có thể nghiên cứu trả lời sau cho các đại biểu bằng văn bản. Đặc biệt cần chú trọng các chủ trương và giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thời gian tới, tạo được chuyển biến rõ nét trong quá trình triển khai thực hiện, không để tình trạng sau giám sát tình hình vẫn vậy, hoặc có chuyển biến nhưng không đáng kể.

Sau khi có kết luận giám sát, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND có trách nhiệm đôn đốc giám sát việc triển khai thực hiện kết luận giám sát của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của cuộc giám sát. Trên thực tế không ít kết luận giám sát được đơn vị chấp nhận tiếp thu khắc phục, nhưng việc triển khai chưa được coi trọng đúng mức, kết quả thực hiện ra sao hầu như không có báo cáo gửi lại HĐND; để nâng cao chất lượng hiệu quả cuộc giám sát nói chung và giám sát tại kỳ họp nói riêng, đây là vấn đề cần phải được khắc phục, nếu không giám sát sẽ mang tính thủ tục nặng về hình thức và hiệu quả không cao.

Khương Trung Bằng
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Vĩnh Phúc