Sự lựa chọn của người dân Bolivia

- Thứ Bảy, 26/10/2019, 08:22 - Chia sẻ
Với 99,99% số phiếu được kiểm, đương kim Tổng thống Evo Morales, đại diện cho liên minh Phong trào Tiến lên chủ nghĩa xã hội đã giành chiến thắng ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên với tỷ lệ ủng hộ là 47,07% để tại vị nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.

Tái cử 4 nhiệm kỳ liên tiếp

Theo luật bầu cử Bolivia, bất cứ ứng cử viên nào đạt trên 50% số phiếu ủng hộ hoặc có từ 40% nhưng dẫn trước đối thủ sát sườn từ 10% trở lên sẽ trở thành người chiến thắng. Kết quả của Tòa án Bầu cử tối cao (TSE) cho thấy, ứng cử viên đối lập Carlos Mesa, đại diện của liên minh Comunidad Ciudadana, người đứng thứ hai chỉ nhận được 36,51% phiếu bầu. Như vậy, Tổng thống Morales đã trúng cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.

Ngay lập tức phe đối lập Bolivia tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử, đồng thời sẽ kêu gọi biểu tình và đình công vô thời hạn để yêu cầu cơ quan bầu cử quốc gia tổ chức vòng hai. Họ cho rằng có gian lận, liên quan đến sự chậm trễ trong quá trình kiểm phiếu. Cuộc bầu cử năm 2019 tại Bolivia có sự tham gia của khoảng 235 quan sát viên từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS), EU...

Trong khi đó, Tổng thống Morales cam kết sẽ bảo vệ kết quả này. Ông tố cáo một âm mưu đảo chính đang được các nhóm đối lập với sự hậu thuẫn của nhiều thế lực bên ngoài triển khai thông qua kích động biểu tình phản đối kết quả bầu cử. Chính quyền Bolivia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với các hành động cực đoan phá hoại đất nước. Thậm chí, trước những diễn biến trên, Bộ trưởng Ngoại giao Bolivia D.Pary còn từng đề xuất OAS gửi phái đoàn kỹ thuật tới Thủ đô La Paz để tham gia kiểm lại kết quả bầu cử, khẳng định mong muốn lớn nhất của Chính phủ là có được một tiến trình bầu cử minh bạch. Thực tế, OAS đã phải triệu tập một cuộc họp của Hội đồng thường trực theo đề nghị của Brazil, Canada, Colombia, Mỹ và Venezuela (đại diện cho thủ lĩnh đối lập Juan Guaido) để thảo luận về những diễn biến tại Bolivia. Bản thân LHQ cũng tỏ ra quan ngại về các sự cố bạo lực sau bầu cử ở quốc gia Nam Mỹ này.


Nguồn: ITN

Khó khăn phía trước

Ông Evo Morales Ayma là vị Tổng thống người gốc thổ dân da đỏ đầu tiên của Bolivia. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2006, ông đã được ghi nhận nhờ khả năng quản lý kinh tế thực dụng. Một thập kỷ sau khi ông cầm quyền, Bolivia đạt được những thành tựu kinh tế vượt bậc, trung bình tăng trưởng 5%/năm. Đặc biệt, ông đã biến Bolivia từ một quốc gia bất ổn và có thời gian nằm trong danh sách các nước nghèo nhất Mỹ Latin trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động và ổn định nhất khu vực. Trong giai đoạn đó, GDP bình quân đầu người của Bolivia đã tăng tới 3 lần. Thậm chí, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008, quốc gia Nam Mỹ này vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Những thành tích trên chủ yếu nhờ việc quốc hữu hóa các ngành kinh tế chiến lược, trong đó có ngành dầu khí và tăng cường đầu tư sản xuất. Ngoài ra, chính quyền Bolivia cũng tập trung thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, thanh toán nạn mù chữ, thất học cũng như đấu tranh với các ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây.

Ông Morales nằm trong liên minh cánh tả với các nhà lãnh đạo Mỹ Latin trước đây như Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela, Tổng thống Luis Inacio Lula da Silva của Brazil và Tổng thống Rafael Correa của Ecuador. Vì vậy, cho tới nay, ông vẫn duy trì được sự ủng hộ rộng rãi và được những người ủng hộ coi là nhà vô địch của người nghèo, nhà vô địch vì quyền của người da đỏ, chống chủ nghĩa đế quốc cũng như chủ nghĩa môi trường. Chưa hết, Tổng thống Morales còn được ghi nhận là người mở đường, gửi vệ tinh đầu tiên của Bolivia lên vũ trụ hay có công kiềm chế lạm phát.

 Tuy nhiên, uy tín của ông Morales đã bị ảnh hưởng ít nhiều khi một số quan chức trong chính quyền dính bê bối tham nhũng cũng như việc ông từ chối chấp nhận một cuộc trưng cầu dân ý về hạn chế nhiệm kỳ Tổng thống. Năm ngoái, sự ủng hộ đối với Tổng thống đương nhiệm tiếp tục có chiều hướng đi xuống sau khi Bolivia thua kiện Chile. Trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương (1879 - 1883), Bolivia đã mất toàn bộ 400km bờ biển và 120.000km2 các tỉnh giáp biển của mình vào tay Chile. Trong hiệp ước lập lại hòa bình được ký kết giữa hai nước năm 1904, Chile bảo đảm một đường ra biển có chủ quyền cho Bolivia, đổi lại việc La Paz công nhận chủ quyền của Santiago tại những phần đã mất. Tuy nhiên, hai bên vẫn bất đồng kéo dài trong việc diễn giải các điều khoản trên và không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Tháng 4.2013, Bolivia đã đệ đơn lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) yêu cầu Chile phải đàm phán về một giải pháp cho vấn đề đường ra biển của La Paz nhưng thua kiện vào năm 2018, sau khi ICJ ra phán quyết Chile không có nghĩa vụ pháp lý phải đàm phán về vấn đề trên với Bolivia.

Chưa hết, nhiều người còn phê phán nhà lãnh đạo Bolivia đã phản ứng chậm trễ đối với các vụ cháy rừng lớn trong năm nay. Họ cho rằng, chính chính sách phát triển nông nghiệp đã dẫn đến tình trạng phá rừng, đốt cây để lấy đất trồng trọt.

Dẫu vậy, với chiến thắng mới nhất, Tổng thống Evo Morales vẫn được cử tri trao cơ hội tiếp tục hiện thực hóa các chính sách mà mình đang theo đuổi, cho dù Bolivia đang và sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, bất ổn.

Ngọc Minh