Sự sống hồi sinh nhờ tấm thẻ xanh

- Thứ Bảy, 31/08/2019, 09:20 - Chia sẻ
Bị mắc bệnh tim khi tuổi đã cao, bà Nguyễn Thị Mầu, 65 tuổi, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh không khỏi xúc động khi nhớ tới ngày phải phẫu thuật thay van tim. Thuộc hộ nghèo, với chi phí y tế lên tới hàng trăm triệu đồng, nếu không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), gia đình bà Mầu có lẽ đến giờ vẫn loay hoay trả nợ. Cũng giống như gia đình bà Mầu, khi những cơn bạo bệnh ập đến, nhiều người dân Bắc Ninh không ngờ tấm “bùa hộ mệnh” cho bản thân và gia đình lại chính là tấm thẻ BHYT.

Điểm tựa an sinh cho người nghèo

Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Mầu, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi trước gia cảnh khó khăn. Với bàn tay run rẩy chỉ còn 4 ngón do tai nạn lao động, bà Mầu không ngừng gạt nước mắt kể về căn bệnh của mình. “Người ta mổ nội soi chỉ một đoạn thôi, còn tôi cả một đoạn dài vì phải thay cả van tim 2 lá và sửa van 3 lá mà đến tận bây giờ vẫn chưa hết đau nhức” - chỉ vào vết sẹo mổ cách đây gần 1 năm, bà Mầu nghẹn ngào nói.

Phát hiện mình mắc bệnh tim từ vài năm trước nhưng nghe tới số tiền phải phẫu thuật, bà Mầu đã từ chối, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Chỉ tới khi bà biết tấm thẻ BHYT mà Nhà nước cấp cho hộ nghèo sẽ chi trả 100%, bà mới quyết tâm chữa bệnh. Sau khi được bệnh viện tại địa phương, giới thiệu lên Bệnh viện Tim Hà Nội, bà Mầu đã được phẫu thuật thay van tim cơ học. “Nếu không được quỹ BHYT chi trả chi phí phẫu thuật, khám chữa bệnh lên tới gần 115 triệu đồng thì có lẽ gia đình tôi đã phải bỏ cuộc và chấp nhận số phận từ lâu” - bà Mầu cho biết.

Chồng bà Mầu, ông Nguyễn Kiên Trì chia sẻ, bản thân ông cũng mắc rất nhiều bệnh và thường xuyên phải tới bệnh viện. Với ông, tấm thẻ BHYT cho hộ nghèo đã giúp gia đình ông không lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, giảm bớt phần nào gánh nặng cho con cái.

Cũng giống gia đình bà Mầu, tấm thẻ BHYT đã phần nào giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình chị Nguyễn Thị Chuyên, 36 tuổi, ngụ tại xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Mắc suy tim ngay từ khi chưa chào đời, tài sản trong nhà bán dần theo những đợt điều trị, thuốc thang… Năm 2018, khi bệnh trở nặng, chị đã phải chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để phẫu thuật tim. Chị Chuyên tâm sự, “nếu như trước đây khi chưa phẫu thuật, thời tiết oi bức là tôi đã không thể chịu được thì giờ đã khá hơn rất nhiều. Từ 32kg, tôi đã lên được 40kg và có thể đi lại được nhiều hơn trước”.

Ca phẫu thuật năm 2018 không chỉ giúp sức khỏe chị khá lên mà còn giúp chị nhận ra được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT. Do thuộc hộ cận nghèo nên chị Chuyên đã được BHYT chi trả tới 95%, với số tiền được thanh toán là gần 189 triệu đồng. “Cứ nghĩ chính sách BHYT là một điều gì đó xa xôi, không quá cần thiết với bản thân mình. Vậy mà giờ đây, tấm thẻ BHYT đã trở thành người bạn thân thiết, cứu cánh tôi, tiếp thêm cho tôi niềm hy vọng để chống chọi lại căn bệnh này” - chị Chuyên nói.

Cán bộ BHXH huyện Thuận Thành thăm gia đình bà Nguyễn Thị Mầu Ảnh: Thảo Mộc

Tiếp thêm hy vọng sống

Không quá khó khăn như gia đình bà Mầu, chị Chuyên nhưng chị Nguyễn Thị Lan, 42 tuổi, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh lại không may mắc căn bệnh bạch cầu, với chi phí điều trị mỗi đợt lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhớ lại lần đầu phát hiện bệnh cách đây 6 năm, chị Lan cho biết, “sau một thời gian làm việc cho cơ quan nhà nước, tôi xin nghỉ việc để mở một spa làm đẹp. Bị cuốn vào công việc mới, mất tới 1 năm không tham gia BHYT. Đến khi quyết định đăng ký lại BHYT và nhận thẻ được 3 ngày thì phát hiện mình mắc bệnh bạch cầu, trong một đợt khám bệnh tổng quát”.

Nhận thấy đây là căn bệnh khó chữa, phải nằm viện dài ngày với chi phí rất tốn kém, các bác sĩ địa phương đã khuyên chị Lan chuyển bảo hiểm lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Mới nghe bác sĩ chẩn đoán bệnh và dự toán chi phí, chị không nghĩ sẽ duy trì chữa bệnh đến cùng nhưng khi được tư vấn là thẻ BHYT sẽ chi trả 80% chi phí khám, chữa bệnh, chị mới trấn tĩnh lại và kiên trì chữa bệnh. Năm 2018, chi phí khám, chữa bệnh của chị Lan lên đến gần 140 triệu đồng nhưng chị chỉ chi trả 20% trong khoản này.

“Chỉ với hơn 800.000 đồng mỗi năm nhưng giá trị được hưởng lại quá lớn. Mỗi tháng một lần, tôi đều phải lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để khám, chưa kể phát sinh không may có triệu chứng bất thường, buộc phải nằm viện. Chi phí khám chữa bệnh, thuốc thang quá lớn và nếu không có BHYT thì với kinh tế gia đình hiện nay, chắc chắn sẽ vô cùng vất vả, không thể trụ được lâu dài. Có thẻ BHYT, gia đình tôi thực sự rất an tâm, không phải lo nghĩ quá nhiều về kinh tế” - Chị Lan khẳng định.

Lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn. Hiện nay, ở nước ta tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% năm 2019 và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Đây là kết quả có được từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Chia sẻ về những đối tượng được hưởng chi phí khám chữa bệnh BHYT, Phó Giám đốc BHXH huyện Thuận Thành Nguyễn Văn Thanh cho biết, có hàng trăm trường hợp trên địa bàn huyện được BHYT chi trả với số tiền trên 100 triệu đồng. Nhiều trường hợp nhà nghèo, bệnh trọng, nếu như không có thẻ BHYT, họ chắc chắn sẽ khó có thể điều trị lâu dài.

“Với mệnh giá thẻ BHYT như hiện nay, người dân chỉ bỏ ra chưa đầy 70.000 đồng/tháng nhưng nếu ốm đau, chỉ cần 1 - 2 lần viêm họng, cảm cúm thì viện phí cũng đã hết tiền triệu. Còn nếu bị bệnh trọng, tai nạn bất ngờ, với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, BHYT thực sự là phao cứu sinh giúp cho người dân thoát bẫy nghèo y tế” - Phó Giám đốc BHXH huyện Thuận Thành Nguyễn Văn Thanh khẳng định.

Tuy nhiên, mỗi nhóm đối tượng lại có những đặc thù, điều kiện khác nhau. Để phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT, giúp người dân nắm được quyền lợi khi tham gia BHYT, BHXH huyện Thuận Thành cũng thường xuyên phối hợp với đài truyền hình, truyền thông báo đài, đài phát thanh ở thôn để tuyên truyền về quyền lợi được hưởng. Hàng năm, BHXH huyện cũng làm các chương trình đối thoại BHYT vừa tuyên truyền chính sách, vừa giải đáp vướng mắc của người dân. Nhận thức được rằng, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định, hàng năm, BHXH huyện cũng tổ chức các lớp đào tạo nhân viên đại lý, đến nay, đã có gần 300 đại lý của huyện, trực tiếp tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu thêm về chính sách BHXH, BHYT.

“Hàng năm theo tháng, quý, BHXH huyện đều tổng hợp những trường hợp chi phí cao và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu những lợi ích đạt được khi tham gia BHYT. Người dân đã bước đầu ý thức được rằng, tham gia BHYT là vấn đề cần thiết, nếu không tham gia thì rất lạc hậu và BHYT thực sự là cứu cánh giúp họ giảm bớt gánh nặng mỗi khi  đau ốm, bệnh tật” - Phó Giám đốc BHXH huyện Thuận Thành Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Theo thống kê của BHXH huyện Thuận Thành, 6 tháng đầu năm, đã vận động được 29.000 đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. BHXH huyện cũng tự xây dựng kế hoạch của năm là 41.000 đối tượng tham gia, thì 6 tháng đầu năm đã đạt được hơn 60%. So với dân số hiện có, tổng số người tham gia BHYT toàn huyện đã đạt 91, 21%. Để phát triển BHYT trong những năm tiếp theo, BHXH huyện đã tham mưu với UBND huyện tiếp tục duy trì Ban chỉ đạo BHYT của toàn huyện và Ban chỉ đạo BHYT của các xã, để tiếp tục lan tỏa thông điệp ý nghĩa mà BHYT mang lại.

Tiếp xúc với nhiều mảnh đời thiếu may mắn, mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, càng thêm thấm thía giá trị của sức khỏe và sự sẻ chia. Tấm thẻ BHYT nhỏ bé, từ lâu đã trở thành những người bạn đồng hành với người bệnh chiến đấu, chống chọi với bệnh tật. Bởi thế mà tấm thẻ đó được nhiều người bệnh thân thương đặt cho cái tên “tấm thẻ của hy vọng”. 

Thảo Mộc