Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Sửa đổi những vấn đề đã rõ

- Thứ Bảy, 14/09/2019, 07:45 - Chia sẻ
Tại Tờ trình dự án Luật, Chính phủ đề xuất, cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình. Tuy nhiên, Tờ trình dự án Luật mới đề cập được những tác động tích cực của phương án này, chưa lường đoán những khó khăn có thể gặp phải. Do vậy, UBTVQH đề nghị, chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã chín, đã thấy rõ trong thực tiễn.

Cơ quan soạn thảo không phát huy hết trách nhiệm

Đây là một thực tế đang xảy ra trong triển khai tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Pháp luật chỉ ra. Theo báo cáo thẩm tra dự án Luật, thực tế thực hiện quy định cơ quan của QH chủ trì tiếp thu, chỉnh lý như hiện nay dẫn đến không ít trường hợp cơ quan soạn thảo cho rằng việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, do đó không phát huy đầy đủ trách nhiệm, thế mạnh của mình. Hơn nữa, với quy trình hiện nay, ở giai đoạn chỉnh lý, hoàn thiện, chính cơ quan thẩm tra phải làm nhiệm vụ soạn thảo (chỉnh lý văn bản), nên không tiến hành thẩm tra đối với những vấn đề tiếp thu, chỉnh sửa rất nhiều, kể cả có thay đổi nội dung chính sách trong giai đoạn này.

Trước nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng “có phần oan cho anh em ở các bộ, ngành”. Thực tế, khi chuẩn bị hình thành đề cương ban đầu để chuẩn bị hội đồng, chưa xây dựng dự thảo luật, bộ trưởng, trưởng ngành đã mời cơ quan thẩm tra sang dự họp, để theo dõi ngay từ đầu quá trình xây dựng dự án luật. Khi chuyển dự án luật sang Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra, thậm chí chỉ mới họp Thường trực Ủy ban để thẩm tra sơ bộ, lãnh đạo các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo đều sang dự họp. “Bảo các bộ, ngành không theo sát các nội dung của luật thì không phải. Các đồng chí vẫn rất theo sát”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Trong khi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cực kỳ may mắn, thì dường như Ủy ban Tư pháp không may. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành chủ trì thẩm tra dự án luật nào cũng đều được các bộ trưởng, trưởng ngành phối hợp tốt ngay từ đầu, thậm chí sang gặp lãnh đạo cơ quan thẩm tra trước. Trong khi đó, khi Ủy ban Tư pháp họp thẩm tra các dự án Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hành chính đều chỉ có sự tham gia rất ít của lãnh đạo ngành. Chỉ ra thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, sự tham gia của các lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo khác nhau giữa các dự án luật. “Với những dự án luật Ủy ban Tư pháp chủ trì thẩm tra, nhiều bộ, ngành chỉ để lại cấp vụ trưởng còn không được, cục trưởng không được. Cơ bản sau lần soạn đầu tiên đều chuyển sang cho cơ quan thẩm tra. Sau đó, khi QH cho ý kiến lần đầu, cơ quan thẩm tra ngồi soạn thảo với một bộ máy rất nhỏ”. Bà Lê Thị Nga chỉ rõ, thực tế này cũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến Bộ luật Hình sự năm 2015 có vấn đề.

Không chỉ xảy ra với Ủy ban Tư pháp, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện tượng này xảy ra khi đến vòng thảo luận lần thứ hai của không ít dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Quá trình tiếp thu các vấn đề ĐBQH đề nghị bổ sung đã giúp làm rõ được nhiều vấn đề. Nhưng lúc đó quay ra mời lãnh đạo bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo “có ai sang đâu. Nay đồng chí thứ trưởng này, mai đồng chí thứ trưởng khác, nay vụ này, mai vụ khác nên khó tiếp thu được ý kiến ĐBQH”.

Trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật đã từng có tình trạng lãnh đạo các bộ được giao chủ trì soạn thảo ít đến dự đầy đủ, có khi chỉ cấp vụ sang dự, hoặc lần này thứ trưởng này, lần sau thứ trưởng khác, lần sau nữa thứ trưởng khác. Trong Khóa XIV này, chúng ta đã tăng cường sự phối hợp đó bằng cách yêu cầu Bộ trưởng phải ngồi để cùng nghe, tiếp thu khi QH họp toàn thể cho ý kiến về dự án luật. Bởi Bộ trưởng bắt buộc phải ngồi nghe thì mới quan tâm, còn nếu không sẽ giao cho thứ trưởng phụ trách luật, còn có đi họp hay không đi họp bộ trưởng không ai biết, nên buông tay luôn. Sau khi QH cho ý kiến lần đầu với dự án luật, qua kỳ họp thứ hai là buông tay. QH Khóa XIV đã có điều chỉnh, ngay từng phiên QH thảo luận, bộ trưởng ngồi nghe và thậm chí có yêu cầu báo cáo giải trình, tiếp thu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Phối hợp đang là khâu yếu nhất

Việc cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thể hiện hết trách nhiệm, thế mạnh của mình trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết là một nguyên nhân khiến Chính phủ, cũng như nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành chuyển vị trí thực hiện công tác này. Tuy nhiên, phân tích về đề xuất này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, đây không phải vấn đề mới, Chính phủ đã nhiều lần đề xuất, thậm chí kể cả trong quá trình xây dựng Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Song, khi đó, UBTVQH và cơ quan chủ trì thẩm tra đã dùng những lý lẽ hết sức thuyết phục để bác đề nghị này. QH đã quyết định ban hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 giữ nguyên quy định theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, trong các lý do để giữ nguyên thì có lý do là mô hình tổ chức quyền lực Nhà nước ta đã được xác định trong Hiến pháp năm 2013.

Vướng mắc trong thực hiện tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật được Chính phủ đưa ra, theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ yếu do tổ chức thực hiện, không phải do quy định của luật. Chủ tịch QH nhấn mạnh, quy định hiện hành hiện nay không hạn chế vai trò của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh, Ngay cả vai trò của Bộ Tư pháp, UBTVQH, cơ quan chủ trì thẩm tra đều phải xem Bộ Tư pháp đã thẩm định với dự án luật chưa. Nếu Bộ Tư pháp chưa tiến hành thẩm định sẽ trả hồ sơ lại cho cơ quan chỉ trì soạn thảo hoàn thiện.

Đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chỉ rõ, trong quá trình thẩm tra, UBTVQH và QH cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, cơ quan soạn thảo đều có quyền bảo lưu ý kiến của mình. QH mới có quyền quyết định cuối cùng về vấn đề được cơ quan trình đưa ra. Ý chí cuối cùng là QH quyết định chứ không phải là cơ quan nào cả, kể cả UBTVQH tiếp thu, nhưng Chính phủ không đồng ý, QH cũng có quyền không thông qua dự án luật, nghị quyết. “Ở đây không bảo cơ quan trình bị bác bỏ hết tất cả những chính sách. Vấn đề là có hợp lý, có khả thi, có bảo đảm hiệu quả kinh tế, không nói là thời gian”, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Trước lý do cơ quan trình không phát huy hết trách nhiệm, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chỉ rõ, theo quy định hiện hành, cơ quan trình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình ra QH, nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan đang là khâu yếu nhất. Thực tế, nhiều dự án luật lúc đầu chính sách đưa ra chỉ có một số điều, nhưng đến khi sang đến QH đã thành sửa cơ bản và có thể nói khối lượng sửa đổi dự án luật đến 50 - 70%.

Có thể thấy, không chỉ vướng mắc không nằm ở quy định hiện hành, Tờ trình dự án Luật cũng chưa đưa ra lý lẽ thật chặt chẽ, mới chỉ đưa ra tác động tích cực của sự “đổi vai” này, không chỉ ra những khó khăn, thách thức có thể gặp phải. Do vấn đề được đưa ra chưa thật sự chín, nên nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng, cần giữ như quy định hiện hành. Vấn đề cần quan tâm hơn cả là trách nhiệm của từng chủ thể trong từng công đoạn. Nghiên cứu sửa đổi quy định hiện hành để đề cao trách nhiệm của từng chủ thể từ khâu soạn thảo đến thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến và xem xét thông qua, góp phần nâng cao chất lượng luật.

Lê Bình