Sức bật từ OCOP

- Thứ Tư, 16/10/2019, 08:51 - Chia sẻ
Sau hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Nam Định đã thu nhiều “trái ngọt” quan trọng. Giờ đây, chính quyền và người dân các địa phương trong tỉnh đang hướng đến mục tiêu cao hơn là phát huy lợi thế sẵn có để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, từng bước đưa nông thôn mới phát triển theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công mục tiêu này.

Giải pháp quan trọng cho xây dựng NTM

OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng NTM, động lực cho phát triển bền vững. OCOP là sản phẩm của địa phương phải được gia tăng giá trị trên tầm quốc gia, toàn cầu. Chủ thể thực hiện là hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ về chính sách. Chính quyền không thể áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong sản xuất các sản phẩm OCOP mà phải phát huy được tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường.

Sau 5 năm triển khai, từ 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia đến nay phát triển 300 sản phẩm và hơn 200 đơn vị tham gia. Cả nước có trên 5000 sản phẩm đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP. Đến nay, đã có 60/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng đề cương, 30 tỉnh lập xong đề án và có 4 tỉnh (Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Cạn và Quảng Nam) phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018 - 2020. Những làng nghề, những sản phẩm nông nghiệp đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho các địa phương. Không ít gia đình, không ít xã đã trở nên giàu có từ những sản phẩm nông nghiệp này và góp phần không nhỏ vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

Rõ ràng, OCOP không phải là một phong trào mà là một chương trình kinh tế, sản xuất các sản phẩm cụ thể, để quảng bá thương hiệu của sản phẩm có chất lượng nhưng ít người biết tới. Chương trình OCOP được triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn cả nước; khuyến khích các địa phương tùy vào điều kiện thực tiễn, triển khai phù hợp ở khu vực đô thị với mục tiêu nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thực hiện tốt sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý. Song song với đó là xây dựng đội ngũ cán bộ hỗ trợ chuyên nghiệp, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa.

Phát huy giá trị nông sản địa phương

Được khởi động tại tỉnh Quảng Ninh từ năm 2013, đến nay, Chương trình OCOP đã mở rộng, phát triển trên phạm vi cả nước với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Tại Nam Định, tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện song các địa phương đang có những cách làm phù hợp nhằm khai thác tốt các tiềm năng lợi thế sẵn có để đạt mục tiêu phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh việc vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân thì Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo ra nền tảng vững chắc để hỗ trợ thực hiện OCOP nói riêng và XDNTM, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung.

Nam Định hiện đang có khá nhiều sản phẩm đặc trưng của những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh; hệ thống làng nghề, làng nghề truyền thống với lịch sử hình thành từ vài chục đến hàng nghìn năm. Tính đến thời điểm hiện tại Nam Định đã có 160 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, huyện Giao Thủy có 11 sản phẩm với đa dạng các nhóm như: Dịch vụ du lịch (du lịch biển Quất Lâm, du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân, du lịch Bảo tàng đồng quê xã Giao Thịnh); thực phẩm (nem nắm, nước mắm, miến dong, rượu, mật ong sú vẹt, ngao); vải và may mặc (váy cưới). Huyện Hải Hậu có 10 sản phẩm thế mạnh và đặc trưng riêng như: Thực phẩm (gạo tám, gạo tám xoan, nếp cái hoa vàng, nước mắm, cá diêu hồng, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, bánh nhãn, trứng gà sạch) và du lịch biển Thịnh Long. Các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Ý Yên mỗi huyện có 7 sản phẩm; huyện Vụ Bản có 6 sản phẩm; huyện Xuân Trường có 4 sản phẩm; huyện Mỹ Lộc và Thành phố Nam Định mỗi đơn vị có 3 sản phẩm; huyện Nam Trực có 2 sản phẩm. Trước mắt, đối với những sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, được tham gia trưng bày, quảng bá tại Hội chợ thương mại các sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định (dự kiến được tổ chức vào tháng 9 hàng năm) và được gửi đi tham gia bình chọn các cấp cao hơn.

Việc triển khai thực hiện tốt chương trình OCOP hứa hẹn là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của nhân dân trên địa bàn.

Việt Anh