Sức lan tỏa từ Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thứ Tư, 21/08/2019, 07:53 - Chia sẻ
Phiên chất vấn của UBTVQH tại Phiên họp thứ 36 vừa qua thực ra là gần như toàn thể Quốc hội tham gia. Đoàn ĐBQH TP Hà Nội trực tiếp tham gia tại Phòng Tân Trào, Nhà Quốc hội - nơi diễn ra phiên chất vấn còn 62 Đoàn ĐBQH ở các địa phương nối cầu truyền hình trực tiếp. Phiên chất vấn thành công và đã đem lại kết quả tốt đẹp, tạo ra luồng sinh khí mới trong hoạt động giám sát, chất vấn của Quốc hội.

Từ quy mô, chiều rộng và chiều sâu của Phiên chất vấn…

Với nội dung chất vấn là Xem xét việc thực hiện các nghị quyết, các kết luận của UBTVQH về giám sát các chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018; và người trả lời chất vấn gồm 15 bộ trưởng, trưởng ngành cùng sự trả lời, làm rõ thêm nhiều vấn đề của Phó Thủ tướng Chính phủ đã nói lên quy mô, chiều rộng, chiều sâu của Phiên chất vấn. Tuy nhiên dư luận cử tri có cảm nhận rằng: Báo cáo tóm tắt của bên được giám sát có vẻ như trơn tru, ít hoặc hầu như không có thiếu sót tồn tại gì đáng phải lưu ý. Còn Báo cáo tóm tắt tổng hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH - bên giám sát - thì nói khá rõ những thành tích cơ bản, đồng thời cũng nêu bật được những khó khăn, thiếu sót chủ yếu trong quá trình thực thi nghị quyết, kết luận (đúng với tinh thần một báo cáo thẩm tra). Có lẽ đây cũng là một lý do thúc đẩy chất vấn sôi động ngay từ đầu đến cuối khi kết thúc phiên chất vấn vẫn còn 12 đại biểu chưa được chất vấn và 2 đại biểu muốn tranh luận. Phiên chất vấn nhiệt huyết, sôi động đã đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực, rộng lớn.

... đến những lợi ích “sát sườn”

Cử tri cho rằng đã được cung cấp một lượng thông tin quý báu, phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại và sâu sắc về luận giải các vấn đề. Từ những lĩnh vực ít được tiếp cận như cách mạng khoa học - kỹ thuật thời đại 4.0, nền kinh tế số, kỹ thuật thông tin mạng... đến những việc như quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài; những khúc mắc trong xây dựng pháp luật ở cơ quan có trách nhiệm thẩm định của Chính phủ; đến những việc nghe thấy hàng ngày như tai nạn giao thông, “tín dụng đen” cho đến nhiều việc có cả bản thân mình trong đó như nông nghiệp, nông thôn, nông dân, lao động việc làm... những việc từ trên rừng, trên núi, vùng sâu, vùng xa ra tới hải đảo biển khơi rồi những việc mà bất cứ nơi nào trong cả nước đều phải lo toan như nhà ở, đất sản xuất, đất định cư của người nghèo, người có công, người di cư... Bởi vậy, với cử tri và nhân dân, phiên chất vấn vừa giúp bồi bổ kiến thức, vừa nắm được tình hình, lại hiểu được hoạt động rộng lớn, công việc khó khăn, phức tạp của các cơ quan nhà nước. Và “sát sườn” nhất là, rút được kinh nghiệm để tránh rơi vào “thiên la địa võng” của mạng lưới bán hàng đa cấp, hàng giả, “tín dụng đen” cắt cổ, và nhất thiết phải tránh xa ma túy; tự giải đáp được thắc mắc vì sao dạo này lắm xe đang chạy mà tự nhiên bốc cháy ngùn ngụt do “xài” phải xăng giả…

Với các cựu đại biểu dân cử, theo dõi hoạt động chất vấn cũng đem lại nhiều điều bổ ích. Trước hết là, hiểu rõ “ý đồ” nội dung chất vấn (rà soát công việc đã qua 3 năm với phạm vi rộng lớn). Qua chất vấn mới biết rằng, có những chính sách, UBTVQH đã kết luận 4 năm rồi mà vẫn chưa thực hiện được như một số chính sách đối với dân tộc ít người (theo chất vấn của một đại biểu tỉnh Bạc Liêu). Những trường hợp như thế này, phải tái giám sát là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn, đúng quy định của pháp luật. Chẳng những tái giám sát mà còn phải truy trách nhiệm đến cùng mới được. Nói rộng ra là, hoạt động chất vấn lần này như một cuộc “tổng giám sát” việc chấp hành các nghị quyết giám sát chuyên đề, các kết luận chất vấn của UBTVQH đối với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện. Qua đây, trước sự chứng kiến của cử tri cả nước, của Quốc hội, chắc chắn các “tư lệnh” ngành, lĩnh vực sẽ phải chỉ đạo, đôn đốc, thúc giục đẩy nhanh tiến độ thực thi công việc nói chung, các nghị quyết, kết luận nói riêng. Gần hai chục văn bản còn nợ đọng phải được khẩn trương hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo thực hiện các luật, nghị quyết đã được thông qua và có hiệu lực lâu rồi.

Kiên quyết thực hiện đúng luật

Cách thức chất vấn ở UBTVQH lần này cũng là một dịp “nhắc nhở” người đứng đầu các cơ quan nhà nước phải luôn nắm vững luật, làm theo luật, hành động theo quy luật và tính quy luật (như Đại hội VI năm 1986 của Đảng đã chỉ rõ). Một việc bình thường, thường xuyên tiếp diễn, đó là người được chất vấn trả lời chất vấn của đại biểu, vậy mà vẫn có không ít người chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 80, Hiến pháp năm 2013 và Điều 32, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 rằng, “Người bị chất vấn phải trả lời...” , kể cả trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản (nghĩa là không được ủy quyền trả lời thay, ký thay). Còn nhớ, ở Quốc hội Khóa IX, một nữ đại biểu (Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh) gửi chất vấn cho một Bộ trưởng và nhận được văn bản trả lời do một Thứ trưởng của Bộ đó ký. Nữ đại biểu đã trả lại và yêu cầu Bộ trưởng có chính kiến, ký gửi lại. Sự việc được rút kinh nghiệm ngay... và cũng khá lâu đến nay mới lại thấy xuất hiện lại. Nhưng không phải một mà là ba trường hợp (cũng chưa dám chắc là chỉ có ba hay còn nhiều hơn nữa, vì mới có 35 trên tổng số 484 đại biểu chất vấn). Dù lý giải thế nào thì đây cũng là thiếu sót, khuyết điểm của những người có trách nhiệm phải trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Sự việc này đặt ra hai yêu cầu: một là, người bị chất vấn phải luôn nắm chắc các quy định của pháp luật, nhất là những quy định cho chính mình và phải luôn tuân thủ pháp luật; hai là, ĐBQH phải thẳng thắn (như nữ đại biểu Khóa IX ở Quảng Ninh hay Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy tại phiên chất vấn vừa qua), không nể nang, ngại ngần rồi cho qua. Hơn ai hết, các đại biểu Quốc hội phải kiên quyết thực hiện đúng quy định của pháp luật…

Hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của UBTVQH và sự tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn của UBTVQH cho thấy tính liên tục, toàn diện và tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát. Phiên chất vấn đã thành công, đem lại kết quả tốt đẹp, tạo ra luồng sinh khí mới trong hoạt động giám sát, chất vấn của Quốc hội.

Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội