Sức mạnh ngôn từ

- Thứ Ba, 10/02/2015, 11:04 - Chia sẻ
Đại văn hào Voltaire cho rằng lời nói dùng để che giấu suy nghĩ, có lẽ không đúng với tất cả. Ngôn từ có sức mạnh khơi dậy tiến bộ xã hội và thay đổi tiến trình lịch sử. ĐBND giới thiệu bảy phát ngôn ý nghĩa của bảy nhà hoạt động nhân đạo có ảnh hưởng nhất thế giới, thể hiện sự cống hiến vượt bậc vì xã hội văn minh và công bằng.

Đạt Lai Lạt Ma XIV


“Tôn giáo đích thực của tôi là lòng tốt”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma là lãnh đạo tinh thần Phật giáo Tây Tạng, lên tiếng bênh vực Tây Tạng từ lúc mười lăm tuổi. Sống lưu vong ở Ấn Độ, Đạt Lai Lạt Ma đi khắp thế giới truyền bá thông điệp từ bi và hòa bình.

Công nương Diana


“Bất cứ ai cũng phải được tôn trọng. Người nào cũng có tiềm năng mang lại điều gì đó”. 

Nổi tiếng là công nương của nhân dân, Diana không bao giờ né tránh việc giúp đỡ người khác. Cô đã đánh động thế giới về thảm họa HIV/AIDS trong những năm 1980 khi căn bệnh này đang bị xem là đề tài cấm kỵ. Có thời điểm Diana tham gia tới hơn 100 tổ chức từ thiện. Ngôi sao Elton John phát hành đĩa đơn Ngọn nến trong gió (Candle in The Wind 1997, còn có tên Tạm biệt đóa hồng Anh quốc) để tưởng nhớ công nương xứ Wales.

Mahatma Gandhi


“Không được mất niềm tin vào con người. Nhân loại là đại dương; vài giọt nước bẩn không thể khiến cả đại dương bẩn”.

Vị lãnh tụ thần tượng của Ấn Độ đã dẫn dắt đất nước độc lập, thoát ách thống trị thực dân Anh vào năm 1947. Là luật sư, Gandhi tôn trọng nguyên lý bất bạo động, soạn và sử dụng triết lý Satyagraha. Gandhi có ảnh hưởng và vận động được hàng triệu người khắp thế giới đấu tranh hòa bình vì tự do và dân quyền.

Aung San Suu Kyi


“Tiêu chuẩn đúng đắn nhất để đánh giá sự công bằng của một chế độ là mức độ nó bảo vệ những kẻ yếu đuối nhất”.

Aung San Suu Kyi là chính trị gia Myanmar, bị quản thúc tại gia suốt mười lăm năm vì chống đối chính phủ quân sự. Là chủ tịch của Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ, bà Aung San Suu Kyi đã trở thành biểu tượng quốc tế về hy vọng và thay đổi, có kế hoạch ứng cử tổng thống năm 2015.

Martin Luther King


“Tình yêu sẽ cứu thế giới và nền văn minh chúng ta, yêu cả kẻ thù”.

Nhà lãnh đạo dân quyền và hoạt động xã hội nổi tiếng Martin Luther King là mục sư Tin Lành Baptist người Mỹ và lãnh đạo phong trào dân quyền của người Mỹ gốc Phi. King chịu ảnh hưởng nhà hoạt động nhân đạo Mahatma Gandhi, rao giảng bất bạo động để thay đổi chính trị và dân sự. Người đoạt giải Nobel Hòa bình 1964 là biểu tượng công lý và ngọn cờ đấu tranh vì bình đẳng xã hội.

Mẹ Teresa


“Đừng tìm kiếm điều lớn lao, chỉ cần làm việc nhỏ với tình yêu lớn. Việc càng nhỏ, tình yêu càng phải lớn”.

Anjeze Gonxhe Bojaxhiu sinh ở Albania, gia nhập dòng Nữ tu Loreto khi mười tám tuổi, trở thành nữ tu, chọn tên Teresa theo tên thánh bổn mệnh của các Thừa sai Thérèse de Lisieux. Người phụ nữ sùng đạo dành trọn đời mình cứu giúp người hoạn nạn, định cư tại Ấn Độ và sáng lập dòng Thừa sai Bác Ái hoạt động ở 133 quốc gia.

Nelson Mandela


“Để tự do, không chỉ phá bỏ xiềng xích mà còn phải sống tôn trọng và đấu tranh cho tự do của người khác”.

Sau bốn mươi tám năm chống chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, Nelson Mandela trở thành Tổng thống Nam Phi, thắng cử trong một cuộc bầu cử dân chủ đa sắc tộc đầu tiên. Được gọi trìu mến là Madiba, Mandela tập trung nỗ lực hàn gắn đất nước sau nhiều thập kỷ phân biệt, thành lập ủy ban Sự thật và Hòa giải, ủng hộ nhân quyền toàn cầu.

Ngô Yên
Theo Goodnet