Bổ sung hình phạt lao động công ích

Tác động trực tiếp tới ý thức người vi phạm

- Thứ Năm, 09/07/2020, 06:19 - Chia sẻ
Cho rằng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nên bổ sung hình phạt lao động công ích, một số đại biểu Quốc hội nêu rõ, áp dụng hình thức xử phạt này sẽ tác động trực tiếp tới ý thức của người vi phạm. Qua đó, giúp họ nhận thấy bổn phận, trách nhiệm của mình với cộng đồng, người xung quanh. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Phạt tiền không phải lúc nào cũng hiệu quả

​Đó là mong muốn của nhiều đại biểu Quốc hội khi góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ Chín. Hình thức phạt lao động công ích không mới, từng được quy định trong Nghị định số 143 năm 1977 của Chính phủ và trong Pháp lệnh số 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X năm 1999 về lao động công ích. ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chỉ ra rằng, việc áp dụng hình thức xử phạt này sẽ tác động trực tiếp tới ý thức của người vi phạm, vì sức lao động là thứ không thể thay thế được của người vi phạm. Ngược lại, tiền bạc có thể hoàn toàn thay thế, thậm chí vay mượn để nộp phạt. Hình thức này giúp việc thi hành xử phạt có tác dụng tích cực hơn trong hình thành ý thức chấp hành pháp luật. Qua đó, người vi phạm nhận thấy bổn phận, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, những người xung quanh và thúc đẩy quá trình tái hòa nhập xã hội. Tại một số nước như Anh, Mỹ cũng đang áp dụng phạt lao động công ích đối với một số vi phạm.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)

​Một số đại biểu cho rằng, "phạt tiền không phải lúc nào cũng có hiệu quả". Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp, chúng ta "phạt chồng là kẻ bạo lực gia đình, nhưng nạn nhân của bạo lực gia đình lại trở thành nạn nhân kép vì nộp phạt thay chồng. Mỗi lần như vậy, họ rất cân nhắc, không dám tố cáo hành vi bạo lực gia đình vì sợ mất đi một khoản tiền của gia đình". ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết thêm, áp dụng hình thức phạt lao động công ích với 5 hình thức phạt hiện có sẽ góp phần nâng cao hơn hiệu quả, hiệu lực của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. 

​Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện hạ tầng, nhân lực, văn hóa của Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đề nghị chỉ áp dụng hình thức này đối với người vi phạm có độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi, vì đây là độ tuổi quy định trong Luật Thanh niên. Luật Thanh niên quy định: “Trách nhiệm của thanh niên đối với Nhà nước và xã hội là gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia”. Vì vậy, thanh niên vi phạm cần được xử phạt, giáo dục kịp thời. Hình thức phạt tiền sẽ không đạt hiệu quả cao khi nhiều người ở độ tuổi này được hỗ trợ tài chính từ người thân và chưa bị áp lực cao về tài chính từ người lệ thuộc. 

Những vi phạm hành chính cần áp dụng hình thức xử phạt lao động công ích là những trường hợp thực hiện vi phạm được quy định tình tiết tăng nặng trong Luật này. Luật cũng quy định không áp dụng hình thức này đối với người vi phạm đã thực hiện các hành vi được quy định là tình tiết giảm nhẹ tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 5 của Điều 9. Vì họ đã nhận thức được rõ hành vi vi phạm của mình hoặc người vi phạm không đủ sức khỏe, nhận thức để thực hiện lao động công ích. Nơi thực hiện lao động công ích có thể là nơi vi phạm, nơi cư trú hoặc nơi học tập, làm việc. Tổ chức giám sát là chính quyền nơi vi phạm, nơi cư trú, nơi học tập và nơi làm việc, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.

​Nếu Kỳ họp thứ Mười tới, Quốc hội đồng ý đưa hình thức xử phạt lao động công ích vào Luật thì cần giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng áp dụng, loại hình công việc, nơi thực hiện, thời gian thực hiện, tổ chức giám sát. Chúng ta phải rất chú ý tới việc xây dựng cơ chế bảo vệ người vi phạm nhằm tránh nguy cơ lạm dụng hình thức lao động công ích để xâm phạm đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

​Vẫn thiết kế theo tư duy cũ

​Đối với cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín vẫn được thiết kế theo tư duy cũ. Theo đó, cơ quan, chủ thể nào có thẩm quyền quyết định xử phạt thì cơ quan, chủ thể đó có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế việc thi hành quyết định xử phạt. Theo ĐBQH Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), cách thiết kế này tạo ra quá nhiều chủ thể có thẩm quyền cưỡng chế xử phạt (trên 100 loại chức danh có thẩm quyền quyết định việc tổ chức cưỡng chế). Điều này làm cho công tác tổ chức cưỡng chế mang tính "nghiệp dư, không hiệu quả". Thêm vào đó, cũng gây không ít khó khăn cho các tổ chức có trách nhiệm phối hợp với các chủ thể này trong thi hành quyết định cưỡng chế. Ví dụ, một tổ chức tín dụng sẽ thấy "khá bối rối" khi kiểm tra xem quyết định cưỡng chế liên quan tới người có tài khoản tại tổ chức của mình, thì quyết định đó có đúng do người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế trong số hơn 100 chức danh có thẩm quyền hay không? 

​ĐB Nguyễn Thanh Công cũng nêu ra thực tế một tỷ lệ không nhỏ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được chấp hành nghiêm túc, đầy đủ, mà không được tổ chức cưỡng chế kịp thời. Việc quyết định xử phạt hành chính không được chấp hành nghiêm chỉnh mà không có tổ chức cưỡng chế sẽ rất ảnh hưởng tới tính minh bạch của pháp luật. Chỉ ra điều này, ĐB Nguyễn Thành Công mong muốn Ban soạn thảo nghiên cứu thêm để thu gọn đầu mối có thẩm quyền quyết định cưỡng chế việc thi hành quyết định xử phạt, nhằm từng bước khắc phục tính nghiệp dư và tình trạng hiệu lực, hiệu quả chưa cao của công tác cưỡng chế này.

Anh Thảo