Góc nhìn

Tầm nhìn cho vùng hạn, mặn

- Thứ Năm, 13/02/2020, 08:20 - Chia sẻ
Ngay sau Tết Nguyên đán, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã phải đối mặt với mối đe dọa từ hạn, mặn: Hàng chục nghìn nông hộ sẽ thiếu nước sạch sử dụng, hàng nghìn hec ta lúa cũng đứng trước nguy cơ mất trắng… Tình trạng xâm nhập mặn có thể ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với năm hạn, mặn lịch sử 2016 và thiệt hại cũng nặng nề hơn.

Tại Trà Vinh, hiện ruộng bị thiệt hại trên 30% diện tích, đứng trước nguy cơ mất trắng, không thể cứu vãn. Còn tại Cà Mau, diện tích lúa bị ảnh hưởng đã hơn 16.000ha; khoảng 3.500 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Toàn vùng hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, dự báo mùa khô 2020, con số này tăng lên 158.000 hộ. Số hộ này tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang.

Dẫu từ khi năm 2019 chưa kết thúc, ngành nông nghiệp đã cảnh báo sớm và vạch ra kế hoạch đương đầu với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ gay gắt và kéo dài; nhưng để vượt qua một cách an toàn và hiệu quả là điều không hề dễ dàng. Đơn cử như chuyện giảm diện tích canh tác lúa để giảm tiêu tốn nguồn nước ngọt trong thời điểm hạn, mặn cũng đã khó thực hiện. Nông dân bất chấp khuyến cáo, vẫn xuống giống lúa bởi suy nghĩ “người khác không làm, mình làm sẽ bán được giá cao hơn”.

Để “né” hạn mặn, những giải pháp ngắn hạn và “tầm nhìn tương lai” đang được đặt ra, từng bước thực hiện để thích nghi với điều kiện bất lợi của thiên nhiên: Chuyển lịch thời vụ, sử dụng giống thích ứng hạn, mặn và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… Sản xuất nông nghiệp sẽ xoay trục theo cơ cấu sản xuất lúa - trái cây - thủy sản, hay thủy sản - trái cây - lúa vẫn đang khiến chính ngành nông nghiệp loay hoay. Nhiều mô hình sinh kế cũng đã được đưa về đồng bằng trong nỗ lực giúp nông dân sống được trên mảnh đất của chính mình, nhưng điệp khúc được mùa mất giá không ngừng lặp lại suốt nhiều năm.

Sự suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng, sạt lở, xâm nhập mặn và những mùa lũ không về là căn nguyên chính khiến đồng bằng sông Cửu Long kiệt quệ. Hơn 7 năm nay, người dân đồng bằng mòn mỏi chờ mùa lũ từ thượng nguồn sẽ về, bù đắp cho dòng sông và cánh đồng, bằng tôm cá và phù sa. Nhưng lũ không về, phù sa cũng không về. Thay vào đó, mực nước biển dâng kèm sóng lớn gây sạt lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt.

Càng sản xuất càng gặp nhiều rủi ro, nghèo đói, thiếu việc làm nông thôn, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm ở nông thôn là nguyên nhân “đẩy” lao động nông thôn ra khỏi khu vực truyền thống và di cư một cách bị động. Các kết quả nghiên cứu cho thấy đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng có tỷ suất di cư cao và xu hướng tăng dần - từ vùng nông nghiệp lớn nhất nước đến TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh. Tác động của hạn mặn không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm mất sinh kế của người dân, tác động lớn đến việc “bỏ quê đi làm ăn xa” trong điều kiện túng quẫn.

Trong khi đó, các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới là bước đầu, mang tính đối phó với những rủi ro thời tiết ở tầm ngắn hạn (3 - 5 năm). Ở tầm trung hạn (5 - 10 năm) và dài hạn (10 - 30 năm), nhiều chuyên gia cho rằng chưa có những đột phá. Sự hỗ trợ của Trung ương mới ở mức xây dựng kế hoạch hành động mang tính chiến lược và đề xuất một số dự án lớn, mang tính lâu dài như hệ thống đê biển cho cả khu vực, nhưng khi thực hiện, chưa được các tỉnh đánh giá và sử dụng hiệu quả, bền vững. Đơn cử như tại Cà Mau, âu thuyền Tắc Thủ và cống Cà Mau là hai công trình thủy lợi được đầu tư hơn trăm tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả, đang bỏ hoang.

Hạn, mặn không còn là câu chuyện nhất thời, biến đổi khí hậu cũng ngày càng tác động xấu đến vùng sản xuất lương thực lớn nhất cả nước. Do vậy, ứng phó với hạn, mặn không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà phải tính toán dài hạn. Nhiều chuyên gia cho rằng, ứng phó hay thích ứng với hạn, mặn, cần phải định ra chiến lược, có mục tiêu rõ ràng, có tính toán lời lỗ, chi phí và lợi ích. Thích ứng cũng nên dựa trên tình hình diễn biến chung, chứ không nên chỉ lấy tình hình của năm cực đoan để hình thành chiến lược cho nhiều năm.

Chi An