Vai trò của Nữ nghị sĩ

Tăng cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:33 - Chia sẻ
Thời gian gần đây, một quan điểm ngày càng được thừa nhận rộng rãi trên thế giới là cần phải có tỷ lệ đại diện cân bằng hơn của phụ nữ trong nghị viện nhằm phản ánh chính xác hơn tương quan trong xã hội và bảo đảm các quyền lợi đa dạng của phụ nữ được tính đến trong quá trình ra quyết sách. Thế nhưng, tỷ lệ nữ giới trong các cơ quan công quyền và nghị viện trên thế giới hiện thấp hơn nhiều nam giới.

Cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị và trong nghị viện. Ví dụ, sự tham gia bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong đời sống công cộng là một trong những điểm cốt lõi của Công ước năm 1979 của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chống phụ nữ (CEDAW). Sự bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ trong việc nắm giữ các vị trí quyền lực và ra quyết định cũng là một trong mười hai lĩnh vực then chốt được xác định trong Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh năm 1995 do Liên Hợp Quốc đưa ra tại Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ tư. Theo CEDAW, các quốc gia thành viên đặc biệt phải bảo đảm cho phụ nữ các quyền sau: Tham gia bỏ phiếu trong mọi cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý, được quyền ứng cử vào các cơ quan dân cử; được tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách của chính phủ, tham gia các chức vụ của nhà nước và thực hiện mọi chức năng cộng đồng ở tất cả các cấp chính quyền; tham gia vào các tổ chức hiệp hội phi chính phủ liên quan đến đời sống cộng đồng và chính trị của đất nước.


Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner trao chiếc búa quyền lực cho vị nữ Chủ tịch đầu tiên của Quốc hội Mỹ Nancy Pelosi

Liên Hợp Quốc và Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) xác lập tỷ lệ tối thiểu của nữ nghị sĩ trong nghị viện là 30% và được nhiều quốc gia ủng hộ. Tuy nhiên, đến giữa năm 2008, tỷ lệ nữ nghị sĩ trong nghị viện trên toàn cầu mới chỉ đạt 18%. Mặc dù tỷ lệ trung bình còn thấp nhưng đã có 26 quốc gia đạt tỷ lệ nữ nghị sĩ từ 30% trở lên. Vào tháng 9.2008, Rwanda là nước đầu tiên trên thế giới có nhiều phụ nữ hơn nam giới trong nghị viện (56%). Trong số các nước có tỷ lệ nữ nghị sĩ chiếm từ 30% trở lên, một phần tư là các nước Bắc Âu vốn có nỗ lực từ lâu trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào chính sự. Một phần tư thuộc về các nước vừa qua khỏi xung đột như Burundi, Mozambique, Rwanda, Nam Phi đã tận dụng những điều kiện mới để thúc đẩy xu hướng này. 10 quốc gia có tỷ lệ nữ nghị sĩ cao nhất là: Rwanda - hơn 56%; Thụy Điển - hơn 46%; Nam Phi - hơn 44%; Cuba - hơn 43%; Iceland - gần 43%; Hà Lan - gần 41%; Phần Lan - 40%; Na Uy - gần 40%; Bỉ - hơn 39%; Mozambique - 39%.

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nghị viện không chỉ để thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ mà ý nghĩa quan trọng hơn của nó là tạo cơ hội bình đẳng để phụ nữ đóng góp vào việc thay đổi chính sách ở mọi cấp độ, hướng tới bình đẳng, công bằng, tăng phúc lợi nhiều hơn cho mọi người và cho xã hội. Ở Thụy Điển, phụ nữ trong Quốc hội đã có tiếng nói mạnh mẽ trong lập pháp góp phần thúc đẩy Quốc hội ban hành luật về cơ hội bình đẳng, ban hành chính sách nghỉ đẻ được chia đều cho vợ và chồng, bố và mẹ đều có quyền chăm sóc con ốm. Ở Na Uy, phụ nữ trong Quốc hội đã góp phần tích cực trong thúc đẩy Quốc hội ban hành chính sách tăng dịch vụ chăm sóc trẻ do Nhà nước hỗ trợ, giành quyền cho phụ nữ được lựa chọn thời gian làm việc linh hoạt khi sinh con, tạo cơ hội cho phụ nữ kết hợp việc gia đình và việc sản xuất, kinh doanh nhằm tăng quyền độc lập về kinh tế.

Lê Anh