Phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư

Bài 1: Khi doanh nghiệp... thờ ơ

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 06:33 - Chia sẻ
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng các doanh nghiệp còn thờ ơ trong công tác phòng, chống tham nhũng là do thiếu chủ động và thiếu hiểu biết các quy định về phòng, chống tham nhũng còn hạn chế...

Tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp thực thi pháp luật

Mặc dù, đã có hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ, song tham nhũng vẫn là một vấn nạn, gây nhức nhối, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt tham nhũng tại khu vực tư đã và đang làm biến dạng môi trường cạnh tranh, hạn chế cơ hội đầu tư, gia tăng bất bình đẳng xã hội... Do vậy, để thúc đẩy kinh doanh liêm chính và phát triển kinh tế lành mạnh, ổn định, việc hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư thực thi các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

 

Doanh nghiệp tư chưa quan tâm 

Mặc dù, đạt nhiều thành tựu, phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, quốc tế ghi nhận, song tham nhũng tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Tham nhũng trong khu vực tư đã và đang ngày càng phát triển và có nguy cơ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do các doanh nghiệp, nhất là các công ty trách nhiệm hữu hạn còn thờ ơ với công tác phòng, chống tham nhũng.

Dẫn chứng về vấn đề này, Thạc sĩ, chuyên gia của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) Đỗ Thanh Thủy cho biết: Kết quả khảo sát 50 doanh nghiệp, cơ quan thanh tra và tổ chức xã hội ngoài nhà nước do UNDP tại Việt Nam và Thanh tra Chính phủ phối hợp thực hiện gần đây cho thấy, gần 1/3 đối tượng được khảo sát còn thờ ơ, chưa xây dựng và áp dụng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh để phòng ngừa tham nhũng. Chỉ có 22% đối tượng được hỏi đã xây dựng, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh nhằm phòng ngừa tham nhũng; 48% đang xây dựng, thực hiện; khoảng 28% chưa xây dựng, chủ yếu là các công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn. Đối với việc xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát, theo kết quả khảo sát, có 42% đã xây dựng; 26% đang xây dựng; 32% không xây dựng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, công ty cổ phần và công ty hợp danh có ý thức hơn trong việc xây dựng cơ chế kiểm soát, do đặc điểm ngành nghề hoạt động. Trái lại, các công ty trách nhiệm hữu hạn chưa ý thức cao về vấn đề này, vì thường chỉ tập trung vào mục đích kinh doanh, không được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, không có cán bộ pháp luật chuyên trách. Đây cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu vấn nạn tham nhũng lan rộng.

Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI tiến hành, năm 2019 có đến 83,13% doanh nghiệp "chấp nhận" các "khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được"; và có gần 62% doanh nghiệp cho biết công việc được giải quyết sau khi đã trả chi phí không chính thức.

"Mắt xích kép"

Thực tiễn cho thấy, trong kinh doanh, doanh nghiệp là “mắt xích kép”: vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Bởi, những hành vi đưa hối lộ đến người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công để đạt được dự án hay sự ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sự kết nối các mối quan hệ công - tư diễn ra trong nhiều lĩnh vực, chặt chẽ, đan xen lẫn nhau. Nhiều chuyên gia ví khu vực công - tư như “bình thông nhau”, bởi trong nhiều trường hợp, khu vực tư chính là nơi trú ẩn, rửa tiền, là “sân sau” của những quan chức có hành vi tham nhũng trong khu vực công.

Trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong kinh doanh, các hình thức tham nhũng ít được nhận diện hơn vì bản thân doanh nghiệp chưa tự nhận thức được vấn đề này. Hơn nữa, tham nhũng trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp thuộc khu vực tư chưa phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư cũng luôn sẵn sàng “lại quả” theo giá trị hợp đồng. Đây được xem như một thông lệ trong giao dịch để giữ mối quan hệ hay thúc đẩy các hoạt động khác như thanh toán, giao nhận… Đơn cử, trong năm 2019, có gần 20% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý với nhận định "chi trả hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu. Nhiều doanh nghiệp vẫn lo ngại tình trạng "chạy án" nên không đưa tranh chấp ra tòa. Và theo đánh giá của doanh nghiệp, "mối quan hệ với cơ quan nhà nước" là yếu tố cần thiết để tiếp cận thông tin. Trong khi đó ở góc nhìn chuyên gia, bà Nguyễn Vân Trang, Trưởng bộ phận Các chương trình phát triển, Quỹ Thịnh vượng, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho rằng: Đấu tranh với tham nhũng và tăng cường minh bạch rất quan trọng đối với Việt Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, bởi Việt Nam đang có một vị trí thuận lợi có thể tận dụng lợi thế của việc di chuyển chuỗi cung ứng.

Bài và ảnh: Hải Thanh