Tăng cường quản lý cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

- Chủ Nhật, 17/11/2019, 08:53 - Chia sẻ
Ngày 1/12/2019, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT. Theo đó, có sự đổi mới khá lớn trong quy trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và nâng cao về cơ sở vật chất tại các cơ sở đào tạo, sát hạch.

Siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Theo Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT, kể từ ngày 1.1.2020, tất cả trung tâm sát hạch lái xe ô tô trên cả nước phải thực hiện việc lắp đặt hệ thống camera IP kết nối và truyền trực tiếp hình ảnh quá trình sát hạch lái xe tại trung tâm sát hạch về Sở GT - VT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để theo dõi, giám sát. Cùng với việc bắt buộc lắp đặt camera IP, từ ngày 1.5.2020, các học viên học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ sẽ được kiểm soát thời gian học bằng hệ thống ứng dụng công nghệ nhận dạng người học. Đặc biệt, từ ngày 1.1.2021, tất cả các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trong toàn quốc phải trang bị hệ thống cabin điện tử được cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông. Thời gian một người học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ, sau khi đã hoàn thành các khoa mục tập lái trên sân và trước khi ra tập lái trên đường. Còn trình tự sát hạch mới sẽ là lý thuyết - mô phỏng - trong hình - trên đường. Như vậy, nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng sẽ không được sát hạch trên ô tô.

Vụ trưởng Vụ ATGT - Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thạch cho biết: Những ngày gần đây, tai nạn giao thông đang là vấn đề rất “nóng” được toàn xã hội quan tâm. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật cũng như đạo đức người lái xe. Để đáp ứng tình hình mới, hạn chế tối đa tình trạng tai nạn giao thông, việc ban hành Thông tư số 38 nhằm tăng cường công tác quản lý, trong đó siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng như nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người lái xe là rất cần thiết.


Mô hình lái xe bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trong toàn quốc

Tránh lãng phí

Tuy nhiên, tại cuộc hội nghị triển khai Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT mới đây, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, bên cạnh việc bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông thì yếu tố cơ sở hạ tầng và cách thức tổ chức giao thông cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Đông Đô Trần Văn Toản dẫn chứng về Quốc lộ 5A: Nếu tổ chức giao thông tốt, chế tài nghiêm, quy trách nhiệm triệt để cho các địa phương bảo đảm hành lang an toàn giao thông thì tỷ lệ tai nạn giao thông có thể giảm được 50% so với hiện nay.  “Cả nước có rất nhiều khu công nghiệp nằm sát quốc lộ. Thay vì để cho người lao động di chuyển bằng phương tiện cá nhân (chủ yếu là xe máy) đến nơi làm việc thì nên bố trí xe khách đưa đón công nhân. Với cách thức này, nhiều công ty ở Bắc Ninh như Samsung, Canon… với số lượng hàng vạn công nhân đã áp dụng rất hiệu quả trong những năm vừa qua. Việc làm này cũng là một giải pháp giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông nên cần được quy định bắt buộc đối với các khu công nghiệp”, ông Toản hiến kế.

Cũng theo ông Toản, xuất phát từ việc đánh giá chưa đúng tình hình thực tế nên Thông tư 38 sửa đổi có những quy định gây tốn kém và khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, quy định các đơn vị đào tạo và sát hạch lái xe trên cả nước sẽ phải trang bị thêm các công cụ phục vụ công việc đào tạo và sát hạch lái xe như phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và cabin điện tử học lái xe. Nếu theo quy định này, trung bình một trường đào tạo lái xe với lưu lượng khoảng 1.000 học viên cần trang bị ít nhất 10 cabin điện tử, giá trung bình khoảng 400 triệu đồng/1 cabin điện tử. Như vậy, mỗi trường phải bỏ ra gần chục tỷ đồng đầu tư trang thiết bị khi chưa đánh giá được hiệu quả sẽ gây nên sự lãng phí chung cho xã hội và khó khăn cho người học. “Bộ GT -VT thay vì quy định sử dụng cabin điện tử có giá vài trăm triệu thì có thể sử dụng phần mềm có tính năng tương tự cài đặt trên máy tính sẵn có tại các trung tâm. Trước mắt, áp dụng thí điểm tại một vài các đơn vị công lập, sau đó đánh giá hiệu quả, nếu khả thi sẽ nhân rộng ra phạm vi toàn quốc”, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Đông Đô Trần Văn Toản bày tỏ.

An toàn giao thông hay không liên quan đến nhiều yếu tố như ý thức của người tham gia giao thông, trách nhiệm của địa phương trước mỗi tình huống xảy ra, nhưng nếu không nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông tốt thì dù có quyết tâm chuẩn hóa các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đến mấy cũng khó hạn chế các vụ tai nạn giao thông.

NHẬT ANH