Diễn đàn Sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội - Những vấn đề đặt ra

Tăng số lượng và chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách

- Thứ Năm, 20/02/2020, 08:33 - Chia sẻ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TRẦN NGỌC ĐƯỜNG cho biết, đại biểu Quốc hội là thực thể quan trọng nhất cấu thành Quốc hội. Không có đại biểu Quốc hội thì không có Quốc hội, cũng không thể có các cơ quan của Quốc hội. Do vậy, tăng chất lượng và số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Ảnh: Hoàng Ngọc

Nếu tăng ĐBQH hoạt động chuyên trách thì phải tăng cường sự gắn kết của ĐBQH chuyên trách với đơn vị bầu cử. Không gắn kết trách nhiệm của ĐBQH với đơn vị bầu cử thì hoạt động của ĐBQH sẽ bị hạn chế và lâu nay ĐBQH chuyên trách ở trung ương cứ xuân thu, nhị kỳ, một năm hai lần, trước và sau kỳ họp mới tiếp xúc cử tri. Chúng ta có ĐBQH chuyên trách ở địa phương, nhưng không thể chỉ ỷ lại ở họ. Ở nhiều nước, họ gắn kết công việc chuyên môn của các Ủy ban của Quốc hội với đơn vị bầu cử rất chặt chẽ. Họ quy định bao nhiêu ngày, bao nhiêu thời gian ĐBQH phải xuống đơn vị bầu cử để thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết bức xúc của người dân, đồng thời tìm hiểu thực tiễn nơi đây. Có vậy, đại biểu với dân mới gắn kết chặt chẽ, dân mới biết để đánh giá năng lực, tâm huyết của ĐBQH với cử tri như thế nào. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách, nên chăng đặt ra quy chế hoạt động của ĐBQH thực hiện gắn kết giữa công việc ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội với cử tri ở đơn vị bầu cử.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường

Cần thay đổi cơ cấu đại biểu Quốc hội?

- Thưa ông, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là nội dung còn có ý kiến khác nhau khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trong điều kiện hiện nay, việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách là cần thiết và phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp năm 2013 đã phân định một cách minh bạch: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Trong đó, Quốc hội với tư cách là một thiết chế, có sự độc lập tương đối so với hành pháp và tư pháp, làm nhiệm vụ kiểm soát hoạt động hành pháp và tư pháp thì cần có một đội ngũ ĐBQH chuyên trách tăng về số lượng và chất lượng.

- Tăng ĐBQH hoạt động chuyên trách không phải là vấn đề mới được đặt ra. Trước đây, để chuẩn bị cho nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, khi xây dựng Đề án bầu cử, Đảng, Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội cũng rất kỳ vọng tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách. Nhưng tăng để đạt con số 35% tổng số ĐBQH hoạt động chuyên trách như hiện nay đã là rất khó, thưa ông?

- Quốc hội nước ta có cả ĐBQH hoạt động chuyên trách và ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm. Số lượng ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm chủ yếu ở các cơ quan hành pháp và tư pháp là một điểm vướng. Muốn tăng ĐBQH hoạt động chuyên trách, cần giải quyết vấn đề cơ cấu ĐBQH, thay vì cứ đặt ra tỷ lệ bao nhiêu phần trăm hành pháp, bao nhiêu phần trăm tư pháp trong các cơ quan của Quốc hội. Tương tự, đặt ra phải có bao nhiêu phần trăm chuyên trách ở trung ương, bao nhiêu phần trăm chuyên trách ở địa phương thì khó có thể đạt được. Cơ cấu ĐBQH hoạt động chuyên trách tăng lên thì số ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm phải giảm xuống, giảm ngay từ tỷ lệ ĐBQH kiêm nhiệm ở các cơ quan hành pháp và các cơ quan tư pháp.

Bên cạnh đó, muốn tăng ĐBQH hoạt động chuyên trách thì phải nâng cao chất lượng ĐBQH. Số lượng không bù được chất lượng, nhiều chuyên trách mà chất lượng ĐBQH yếu cũng không đạt. Vì vậy, cần tăng thêm chuyên gia, những người giỏi, am hiểu các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực pháp luật, kinh tế, kiến thức từ lĩnh vực này rất hữu ích cho các ĐBQH làm nhiệm vụ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chúng ta có thể thu hút thêm những người đã về hưu nhưng vẫn có đủ năng lực, sức khỏe, có chuyên môn để đóng góp cho hoạt động của Quốc hội. Hãy lựa chọn những ĐBQH có bản lĩnh, dám nói, dám phân tích, đánh giá một cách thực chất vấn đề. Nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên, thì dù 35% hay 40% ĐBQH hoạt động chuyên trách đều khả thi. Đừng vì lấn cấn về cơ cấu mà bỏ qua những chuyên gia giỏi.

Nên có lộ trình tăng dần đại biểu chuyên trách

- Tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hướng đến một Quốc hội ngày càng chuyên trách, chuyên nghiệp hơn, thưa ông?

- ĐBQH là thực thể quan trọng nhất cấu thành Quốc hội. Không có ĐBQH thì không có Quốc hội, cũng không thể có các cơ quan của Quốc hội. Nói đến Quốc hội phải nói đến ĐBQH, do vậy, tăng chất lượng và số lượng ĐBQH chuyên làm công tác Quốc hội tất nhiên sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Quốc hội. Nếu công tác tổ chức và điều kiện hoạt động của ĐBQH tốt thì còn giúp phát huy thêm tính năng động, sáng tạo của ĐBQH. Đơn cử, chúng ta có thể đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội theo hướng, giúp ĐBQH chuyên trách chủ động làm công việc của mình, chứ không nên chỉ phụ thuộc vào hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. ĐBQH hoạt động chuyên trách cần sát dân hơn, làm việc vì dân, giải quyết được nhiều vấn đề cần cho dân. Đây mới là những tư liệu thực tiễn góp phần vào thành công của các hoạt động của Quốc hội, của các cơ quan nhà nước.

- Theo ông, có cần lộ trình để tăng dần tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách qua các nhiệm kỳ không?

- Nên có bước đi, lộ trình tăng dần ĐBQH hoạt động chuyên trách. Vì thực tế cho thấy, nếu chúng ta làm ngay, làm gấp, sẽ không đủ nhân lực, mà có khi vẫn mang tính hình thức. Do đó, phải thận trọng, từng bước thực nghiệm và nâng dần tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách. Đến một lúc nào đó, tôi rất kỳ vọng, Quốc hội của ta sẽ có 100% ĐBQH hoạt động chuyên trách.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện