Đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh:

Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 19:11 - Chia sẻ
Đây là thời điểm "chín muồi" để TP Hồ Chí Minh đề xuất Đề án về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố (Đề án). Dự thảo Nghị quyết Quốc hội nếu được thông qua sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay. Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh do Bộ Nội vụ tổ chức sáng nay, 25.9, tại Hà Nội.

Xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn, hiệu quả

Thông tin về một số vấn đề liên quan đến Đề án, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, Thành phố đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề án với mong muốn phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh và vai trò của TP Hồ Chí Minh đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước. Việc Thành phố xây dựng Đề án nhằm xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp

Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở pháp lý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như trên cơ sở thực tiễn của Thành phố đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009-2016 đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong quá trình xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết, Thành phố đã phối hợp với các cơ quan đánh giá tổ chức hoạt động của chính quyền các cấp tại Thành phố từ năm 2016 đến nay, so sánh với kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn trước, nhằm đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp trong giai đoạn mới. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm từ quá trình xây dựng Đề án của Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ góp ý của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp, ý kiến phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh vào Đề án và dự thảo Nghị quyết, trong đó trọng tâm là đề xuất không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tại TP Hồ Chí Minh, nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đô thị đặc biệt.

Trình bày tóm tắt về Đề án, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh đến cơ sở thực tiễn của Đề án, trong đó có việc Thành phố thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng, là địa phương có số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất (gồm tất cả 24 quận, huyện, 259 phường) từ năm 2009 đến năm 2016 theo Nghị quyết số 26/2008/QH12.

Quyền làm chủ của Nhân dân vẫn được phát huy

Theo Đề án, chính quyền địa phương ở TP Hồ Chí Minh gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố. Chính quyền địa phương ở quận là UBND quận và ở phường là UBND phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Từ thực tiễn thí điểm, UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường, bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn hơn. Quyền đại diện của nhân dân tiếp tục được đảm bảo và phát huy qua nhiều kênh như: ĐBQH, Thường trực HĐND thành phố, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố, cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam….

Đánh giá về Đề án, Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định cho rằng, có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để xây dựng Đề án. Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng nhấn mạnh, không thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh mà áp dụng luôn các quy định của pháp luật bởi đã có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức phát biểu tại cuộc họp 

Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho rằng, việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh không bị “vướng” quy định Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong khi đó, lại có mặt thuận lợi về thực tiễn. Bởi TP Hồ Chí Minh đã có 7 năm tổ chức thí điểm không thực hiện tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ giai đoạn 2009-2016 và đạt những thành quả tốt, Phó Chủ nhiệm Phạm Trí Thức nói.

Dù đồng tình với việc cần xây dựng Đề án, song nhiều ý kiến thành viên Hội đồng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm việc giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức khi không tổ chức HĐND quận, phường.

Nhất trí với việc xây dựng Đề án, song từ thực tiễn thực hiện thí điểm không thực hiện tổ chức HĐND quận, huyện, phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho biết, theo báo cáo của các địa phương thực hiện thí điểm, hoạt động giám sát của HĐND thành phố và HĐND tỉnh đối với hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân huyện và quận hạn chế. Đây cũng là thách thức lớn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức lưu ý.  

Trong khi đó, đề cập đến một trong những khó khăn khi sắp xếp cơ cấu, tổ chức chính quyền đô thị, ông Phan Văn Hùng cho rằng, cần phải có cơ chế giải quyết chế độ chính sách với những cán bộ, công chức ở HĐND cũng như cơ quan, tổ chức quận, phường khi triển khai Đề án trên thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại cuộc họp

Nhấn mạnh cần tổ chức mô hình chính quyền đô thị phù hợp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn nhất, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Hội đồng thẩm định thống nhất về sự cần thiết xây dựng Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua và triển khai thực hiện Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Đề án đổi mới cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp quan hệ công tác giữa các cơ quan nhà nước, kể cả với cấp ủy, tổ chức chính trị-xã hội, Mặt trận Tổ quốc, góp phần xây dựng chính quyền TP Hồ Chí Minh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng sự hài lòng của người dân, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Với Đề án này, đẩy mạnh phân cấp và ủy quyền đối với UBND quận, phường cũng như bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền TP Hồ Chí Minh.

Theo phạm vi của Đề án, TP Hồ Chí Minh thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường tại 19 quận, 259 phường trên địa bàn.

Hà An