Tăng tốc hơn nữa!

- Thứ Ba, 18/08/2020, 06:10 - Chia sẻ
Chị Nguyễn Thị Ni, năm nay 45 tuổi, quê ở Hà Giang, hiện đang làm công nhân ở Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long. Chị thuê một căn phòng trọ 15m2 gần Khu công nghiệp, ở cùng với cô con gái 11 tuổi. Từ đầu năm đến nay, chị Ni đã hai lần mấp mé ở lằn ranh bị thất nghiệp khi đại dịch Covid-19 ập đến. Không thất nghiệp, nhưng thu nhập đã bị giảm sâu đến mức từ hồi tháng 4, tháng 5 đến nay, mỗi ngày chị chỉ có thể chi tiêu cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của hai mẹ con trong khoảng 30.000 đồng. Mọi khoản chi tiêu khác đều phải giảm tối đa hoặc cắt hẳn. “May còn chưa thất nghiệp hoàn toàn, chưa bị đói, nhưng hơn một tuần nay, công ty đã lại cho nghỉ giãn việc, không biết tới đây rồi sẽ ra sao”, chị nói trong cơn mưa chiều sầm sập, nước mưa đã hắt vào đến giữa phòng trọ, ướt sũng.

Chị Ni chỉ là một trong số 17,6 triệu người đã bị giảm thu nhập do tác động của dịch bệnh Covid - 19 từ đầu năm đến nay, và vẫn còn may mắn hơn hàng triệu người khác đã bị thất nghiệp. 7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động đã tăng tới 41,5%, là mức tăng cao nhất trong các kỳ 7 tháng đầu năm giai đoạn 2015 - 2020; chưa kể, cả nước còn có hơn 21.800 doanh nghiệp đang chờ giải thể và khoảng 9.000 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể.

Doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất đã khiến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Chỉ trong quý II năm nay, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động đã lên tới gần 1,3 triệu người, tăng gần 193 nghìn người so với quý I và tăng 221 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh như vậy, việc xem xét, gia hạn các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 cần sớm được thực hiện. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây cho biết, ngoài việc gia hạn một số chính sách đã và đang được thực hiện, cần xem xét đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành một số chính sách mới.

Trong khi các chính sách mới - hiện vẫn đang trong quá trình dự thảo và chưa biết khi nào sẽ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định để triển khai thực hiện - thì sức chống chịu của doanh nghiệp hiện còn rất mỏng. Bà Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cho biết, từ đợt dịch đầu tiên đến nay, hầu hết doanh nghiệp đã kiệt lực, không còn sức suy nghĩ đến giải pháp chống chịu, chỉ quan tâm làm cách nào để có thể tiết giảm dòng tiền chi ra. Nhiều doanh nghiệp đang hết sức căng thẳng với nhiều khoản chi phí phải đóng góp như tiền thuê đất, các khoản thuế, phí... Thậm chí, có khoản đóng còn tăng đột biến so với năm trước do sự thay đổi về chính sách. Đơn cử có doanh nghiệp logistics năm 2019 chỉ phải đóng tiền thuê đất 6,3 tỷ đồng nhưng sang năm nay đã tăng vọt lên hơn 20 tỷ đồng do khung giá thuê đất tăng mạnh và cách tính cũng thay đổi, trước đây đất thuê của nhóm logistics thuộc khung đất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhưng nay lại áp khung loại hình dịch vụ, nhà hàng, khách sạn với hệ số tăng từ 1,5 - 2,1 lần.

Có một điều chắc chắn là trong bối cảnh hiện nay, nếu không có các chính sách đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường thì doanh nghiệp và theo đó là nền kinh tế khó có thể phục hồi đà tăng trưởng được. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, về nguyên tắc, chính sách mới phải đủ lớn, mạnh về liều lượng để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế và phải kịp thời hơn, hướng đúng đối tượng hơn để phát huy hiệu quả lớn nhất.

Nhìn lại các gói hỗ trợ vừa qua sẽ thấy, mặc dù đã có nhiều chính sách được ban hành, nguồn lực để thực hiện không nhỏ, nhưng hiệu quả trên thực tế chỉ ở mức độ vừa phải, hoàn toàn chưa đạt mục tiêu và kỳ vọng mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm nhận định, các chính sách hỗ trợ vừa qua vẫn hơi dàn trải, đáng ra phải hướng vào những đối tượng thực sự khó khăn. Ví dụ, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020, trong số các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng (đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp) lẽ ra còn phải phân định tiếp doanh nghiệp nào có lãi, lãi cao hơn hay thấp hơn năm 2019... thì chính sách sẽ trúng đối tượng hơn nữa. Nhưng chính ông Hàm cũng thừa nhận, để phân định được như vậy là rất khó.

Vì thế, các chính sách mới phải được xây dựng trên cơ sở thống kê, đánh giá tình hình doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, tình hình lao động, việc làm, đời sống của người dân một cách sâu rộng, toàn diện. Phải có một bức tranh tổng thể, chính xác, trung thực và đầy đủ về tình hình doanh nghiệp, nền kinh tế, đặc biệt là những điều, những việc mà doanh nghiệp, nền kinh tế đang thực sự cần chứ không phải là những điều, những việc mà cơ quan quản lý nhà nước nghĩ rằng doanh nghiệp, nền kinh tế cần. Việc ban hành các chính sách mới cũng phải tăng tốc, khẩn trương hơn nữa, bởi nếu càng dằng dai, chậm trễ thì càng khó vực dậy các doanh nghiệp, phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế. Hiệu ứng domino nếu doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động hàng loạt gây ra đối với nền kinh tế và xã hội là kịch bản xấu nhất mà chúng ta phải ngăn chặn càng sớm càng tốt.  

Hải Lam